Thời gian qua, nhiều người phàn nàn vì mình bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của những hình thức bán hàng, tiếp thị... qua điện thoại, qua mạng. Từ tiếp thị dịch vụ bảo hiểm, quảng cáo các dịch vụ cho vay, gửi tiết kiệm ngân hàng cho đến bán hàng hóa, các chương trình khuyến mãi...

Không biết “kiểu” tiếp thị này của các doanh nghiệp có mang lại hiệu quả hay không nhưng đông đảo “thượng đế” bức xúc cho rằng: Mình bị làm phiền nhiều quá, thậm chí muốn kiện về sự quấy rối này .

“Thượng đế” bị “quấy rối”

Anh Lê Trung Thành, ngụ quận 4, TP.HCM kể: “Có lẽ do là trưởng phòng một công ty đang ăn nên làm ra, nên tôi suốt ngày phải tiếp các cuộc điện thoại giới thiệu các dịch vụ xa xỉ, nào là bảo hiểm tai nạn, rồi vay tiêu dùng, đến cả... mua ô tô trả góp.

Mỗi tuần trung bình hơn chục cú điện thoại tiếp thị kiểu này. Bình thường thì không nói làm gì, nhưng bực nhất là lúc mình đang rối đầu vì hồ sơ, hoặc giữa cuộc họp. Có lần tôi đang họp với lãnh đạo công ty thì nhận cuộc gọi của một cô gái giới thiệu dịch vụ bảo hiểm mới, tôi nghe một câu thì đã cắt ngang bảo mình đang rất bận, nhân viên bảo hiểm kia chẳng chịu cúp máy mà cứ nằn nì xin nói chuyện “một phút cũng được”.

Vì sợ ảnh hưởng công việc nên tôi cúp máy ngang, không ngờ cô gái này lại tiếp tục gọi lại vào số máy tôi, khiến tôi vừa phiền vừa tức, phải xin phép ra ngoài để la mắng một trận thì mới được yên thân”...

Còn chị Lê Thị Kiều Vi, quận Phú Nhuận bày tỏ sự mệt mỏi vì thường xuyên bị nhân viên các công ty bán hàng trực tuyến gọi, và các cửa hiệu thời trang cao cấp nhắn tin chào mời, thông báo các dịch vụ khuyến mãi.

“Công việc bận rộn, buổi trưa chỉ có chừng 30 phút để chợp mắt nhưng tôi lại thường bị nhắn, gọi vào thời điểm đó. Rất bực mình nhưng không biết phải giải quyết làm sao để chấm dứt tình trạng này, vì mình không biết rõ thông tin số điện thoại, tên tuổi của mình bị lộ từ đâu?”.

Trường hợp khác, khách hàng tên T.N.N. cho biết vào năm 2012, chị có hòa mạng trả sau dịch vụ viễn thông M. Đến thời điểm thanh toán cước phí, chị N. do bận rộn nên chưa kịp đến nơi giao dịch để đóng tiền. Tự dưng, chị nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại đầu số M. Người này tự xưng là nhân viên Công ty M., hỏi rành rẽ cả họ tên, địa chỉ đăng kí thuê bao (nhà riêng chị N.) lẫn số tiền mà chị N. chưa thanh toán cho Công ty M.

Sau đó, người gọi cho biết hiện Công ty M. đang có dịch vụ đến tận nơi để thu tiền khách hàng dù khách hàng đang ở bất cứ nơi nào. Nghe vậy, thấy khá tiện lợi, chị N. đồng ý.

Tuy nhiên, sau khi cúp máy, được những người chung quanh tư vấn về những trường hợp lừa đảo, chị N. đã gọi đến tổng đài M. và được tổng đài viên cho biết M., không hề áp dụng dịch vụ thu tiền “lưu động” như trên. Gọi lại cho số thuê bao vừa hẹn “20 phút sau đến thu tiền”, chị N. thông báo đổi địa điểm thu tiền vì chị có việc vừa di chuyển sang trụ sở công an phường.

Nghe thấy không ổn, “nhân viên thu tiền” cúp máy đột ngột, sau đó, chị N. gọi lại thì máy không liên lạc được nữa... Chị N. bức xúc: “Mặc dù tôi đã không bị lừa số tiền cước phí (480 ngàn đồng) nhưng tôi rất băn khoăn và không an toàn, vì thắc mắc không hiểu sao thông tin về số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ, số tiền nợ cước của tôi lại lọt vào tay một người nào đó để suýt nữa bị lừa đảo?

Và nếu lỡ tôi không cảnh giác mà bị lừa, thì liệu nhà mạng có bồi thường cho tôi được không, khi theo tôi nghĩ, thông tin ấy chỉ có thể từ nhà mạng mà lộ ra...?

Liên hệ với nhân viên bảo hiểm thường xuyên có cuộc gọi chào mới, người viết được nhân viên bảo hiểm này tiết lộ, danh sách khách hàng mà nhân viên này có được là từ phía lãnh đạo công ty cung cấp. Mỗi nhân viên sẽ phụ trách một nhóm khách hàng khác nhau chứ không ai được giao hết “danh sách độc” nói trên. Theo nhân viên này, trong danh sách còn ghi chú rất rõ ràng chức vụ của từng người, là nhân viên, trưởng, phó phòng, giám đốc... để tùy vào đó mà tiếp thị các gói dịch vụ phù hợp.

Bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ

Đáng nói hơn, trên mạng internet hiện cũng tồn tại những trang web rao bán dữ liệu khách hàng. Trang vietfo... có những dòng rao bán hấp dẫn như sau: “Chính thức cung cấp dịch vụ danh bạ vàng, bao gồm các bộ dữ liệu chi tiết của giám đốc doanh nghiệp lớn trên toàn quốc. Đây là những thông tin cực kỳ hữu ích cho hoạt động Mass Marketing của doanh nghiệp.

Bạn có thể sử dụng để gửi Email marketing, tiếp thị qua điện thoại, thư tay, hoặc gửi quảng cáo qua brand SMS đều rất hiệu quả. Các bộ dữ liệu được tổ chức khoa học, chi tiết, với đầy đủ các thông tin cần thiết như: họ tên, giới tính, địa chỉ, điện thoại, email, chức vụ, mức thu nhập, tên công ty... thậm chí là cả số điện thoại của thư ký viên.

Chắc chắn sẽ giúp bạn tạo dựng cơ sở dữ liệu khách hàng cực tốt cho doanh nghiệp. Thông tin được lọc theo rất nhiều tiêu chí: ngành nghề, loại hình kinh doanh, giới tính, thu nhập, tỉnh/thành phố, chức vụ... đảm bảo thuận tiện nhất cho bạn khi xử lý dữ liệu...".

Vấn đề đặt ra là có nhiều nhân viên ngân hàng, bảo hiểm tự tiện gọi điện thoại để quảng cáo dịch vụ như đã nói trên liệu có phải do đơn vị quản lý thuê bao cung cấp? Nếu vậy, trong trường hợp chưa được sự đồng ý của chủ thuê bao mà đơn vị quản lý thuê bao đã cung cấp cho người khác thì có bị xem là vi phạm pháp luật? Và “thượng đế” bị “làm phiền” có kiện được hay không?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: Hiện có nhiều chủ thuê bao điện thoại di động bức xúc vì bị các cuộc gọi này làm phiền trong mọi lúc, mọi nơi.

Thực tế, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đó có thể biết được số điện thoại di động của người khác bằng nhiều cách khau, trong đó có thể bằng cách quan hệ với đơn vị quản lý thuê bao để lấy được số điện thoại này. Do vậy, để kết luận số điện thoại của mình đã bị cá nhân, tổ chức nào tự ý thu thập, công bố cho người khác biết thì cần có tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc của “danh bạ vàng” này.

Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005, thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Do đó, nếu đơn vị quản lý thuê bao tự ý cung cấp số điện thoại của khách hàng cho cá nhân, tổ chức khác mà chưa có sự đồng ý của chủ thuê bao mà bị phát hiện thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính về việc tiết lộ nội dung thông tin riêng trong lĩnh vực viễn thông.

Riêng đối với cá nhân vi phạm thì việc này còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa, sử dụng trái phép thông tin mạng viễn thông”.

Nếu có chứng cứ chứng minh rằng, đơn vị quản lý thuê bao đã thu thập, công bố số điện thoại di động của từng cá nhân cho cá nhân và tổ chức khác mà chưa (hay không) có sự đồng ý của chủ thuê bao thì chủ thuê bao đó có thể tiến hành khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Thông tin và truyền thông hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) nơi đơn vị quản lý thuê bao đặt trụ sở hoặc khởi kiện đơn vị quản lý thuê bao tại Tòa án cấp huyện nơi đơn vị quản lý thuê bao đặt trụ sở yêu cầu chấm dứt hành vi đó và bồi thường thiệt hại (Điều 39, Khoản 2 Điều 45, Điều 47 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

phapluatvn.vn