Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học chọn 5 tác phẩm dự thi in sách khi cuộc thi chưa kết thúc. Đây là cách đưa sáng tác mới đến gần độc giả.
5 tác phẩm: Anh đã đợi em từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình), Ở  trọ Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Vũ), Urem - Người đang mơ (Phạm Bá Diệp), Hạt hòa bình (Minh Moon), Ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu) là những bản thảo chất lượng đầu tiên được xuất bản. Tuy vậy, đây chưa phải là các sáng tác được chọn vào vòng chung khảo, NXB Trẻ sẽ tiếp tục xuất bản những tác phẩm dự thi chất lượng tốt trong thời gian tới.
Ngày 18/9, tại Đại học Sư Phạm TP HCM diễn ra buổi giới thiệu 5 tác phẩm và giao lưu với 5 tác giả. Chương trình do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi Trẻ, Hội Nhà văn TP HCM tổ chức. Tham dự chương trình còn có một số tác giả đã đoạt giải Văn học tuổi 20 của những mùa thi trước như: nhà văn Trương Anh Quốc (giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ ba và giải nhất lần thứ tư), nhà văn Võ Diệu Thanh (giải nhì Văn học Tuổi 20 lần thứ tư)…
 'Văn học Tuổi 20' giới thiệu 5 cuốn sách tiêu biểu 1-3764-1379556985-20130919-035038-529
Bìa "Anh đã đợi em từng ngày".
Trong số 5 tác giả, Nguyễn Thị Thanh Bình là một gương mặt khá quen với bạn đọc. Chị từng đoạt giải Tư Văn học tuổi 20 lần thứ hai (2000) với truyện dài Hành trình về phía mặt trời. Tham dự mùa thi năm nay, cây bút nữ này góp mặt với Anh đã đợi em, từng ngày, vẫn mang màu sắc tình cảm lãng mạn đặc trưng.
Thanh Bình từng làm việc ở khu công nghiệp hơn 10 năm, được chứng kiến lẫn trải nghiệm những vui vui thậm chí là những bất công mà phận làm thuê phải gánh chịu. Nhân vật của chị cũng trải qua những điều như thế. Nhưng với tất cả niềm tin yêu cuộc sống, chị ưu ái để nhân vật mình đứng vững trên nghị lực, tri thức và sức trẻ để chống chọi với gian khó. Chị tâm sự: "Bên cạnh tình yêu đẹp, mình còn muốn nhân vật thành công trong công việc, cuộc sống".
 'Văn học Tuổi 20' giới thiệu 5 cuốn sách tiêu biểu 2-1528-1379556985-20130919-035045-401
Bìa "Ngôi nhà không cửa sổ".
Chất văn chương có phần cay đắng là điều độc giả có thể bắt gặp trong tập truyện ngắn của Khiêm Nhu: Ngôi nhà không cửa sổ. Tác giả sinh năm 1987, quê Đăk Lăk này từng theo học tại Khoa Sáng tác & Lý luận - Phê bình Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du). Ngôi nhà không cửa sổ gồm bảy truyện ngắn, được Khiêm Nhu tích góp từ thời sinh viên đến nay.
Khiêm Nhu không chạm vào gam màu mơ mộng, lung linh mà chỉ viết về những điều trái khoáy, đau thương, hoảng loạn và thiếu niềm tin của con người vào cuộc sống. Hình ảnh cái chết xuất hiện nhiều trong tập truyện này.
Còn với Nguyễn Hoàng Vũ, chàng trai sinh năm 1988, truyện dài Ở trọ Sài Gòn là minh chứng về chuyện dân học toán vẫn có thể viết văn. Sinh năm 1988 tại Nha Trang, là thạc sĩ giáo dục học (chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học môn toán), đam mê Toán nhưng Hoàng Vũ cũng viết văn, làm thơ từ khi còn là sinh viên. Ở trọ Sài Gòn là những ghi chép về cuộc sống của một sinh viên năm nhất khi từ quê vào Sài Gòn ăn học. Cuốn sách là nhiều mảnh ghép mang màu sắc tình bạn, tình yêu, tình người, tình quê và đam mê Toán học qua lối kể chuyện giản dị, hài hước.
 'Văn học Tuổi 20' giới thiệu 5 cuốn sách tiêu biểu 3-1159-1379556986-20130919-035033-029
Bìa "Ở trọ Sài Gòn".
Hai tác phẩm còn lại của tác giả Minh Moon và Phạm Bá Diệp lại chọn hướng sáng tác mang phong cách của thể loại văn học kỳ ảo (fantasy).
Minh Moon (tên thật là Trần Nguyệt Minh) đang là phóng viên. Sống và làm việc trong môi trường hiện đại, Minh Moon mạnh dạn chọn đề tài chiến tranh để sáng tác. Cô gửi gắm thông điệp đến độc giả, nhất là những người trẻ: "Lịch sử không bao giờ quay lưng với chúng ta, chỉ có chúng ta bỏ rơi lịch sử. Thời gian trong truyện dài Hạt hòa bình của Minh Moon là hình ảnh của đoàn tàu xuyên không gian - thể hiện ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, hy sinh và vĩnh cửu, cho và nhận, ra đi và trở về...
 'Văn học Tuổi 20' giới thiệu 5 cuốn sách tiêu biểu 4-3382-1379556986-20130919-035035-428
Bìa "Hạt hòa bình".
"... Tôi đã không có ý định tái hiện bối cảnh chiến tranh biên giới Tây Nam trong tác phẩm Hạt hòa bình như một sự kiện lịch sử. Chiến tranh ở đây được kể lại thông qua góc nhìn của một thanh niên thời mới, đi hành quân nhưng cậu ta lại mang ba lô Sakos và thường nhớ về món gà rán KFC. Tất nhiên đó chỉ là một cách thức để tiếp cận đề tài chiến tranh. Nhưng thông qua đó nó khiến cho những độc giả đương đại cảm thấy gần gũi và thú vị hơn. Biết đâu cuốn sách sẽ trở thành một nguồn cảm hứng để các bạn độc giả ngày nay tìm về những câu chuyện chiến đấu của cha anh", Minh Moon tâm sự.
Ấn phẩm dày nhất trong số 5 cuốn sách được in chính là truyện dài Urem - Người đang mơ của Phạm Bá Diệp, dày hơn 540 trang. Bá Diệp là sinh năm 1991, đang là sinh viên năm cuối Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP HCM. Vốn là fan cuồng nhiệt của series truyện Harry Potter, anh trở nên đam mê với thể loại fantasy (kỳ ảo).
 'Văn học Tuổi 20' giới thiệu 5 cuốn sách tiêu biểu 5-6265-1379556986-20130919-035042-298
Bìa "Urem - Người đang mơ".
Những ý tưởng đầu tiên của Urem - Người đang mơ vốn chớm nở trong Bá Diệp từ lâu nhưng chỉ là suy nghĩ mơ hồ. Cho đến khi chứng kiến người bạn của mình bị tai nạn giao thông, chìm vào cơn hôn mê sâu hàng tháng trời trên giường bệnh, anh bắt tay vào viết cuốn sách trong suốt 10 tháng. Tác phẩm  kể về ngày thế giới đi dần đến tận thế với sự hoành hành của căn bệnh Urem - từng người một lần lượt rơi vào giấc ngủ sâu và không thể tỉnh dậy, cho đến hơi thở cuối cùng. Kiên, người duy nhất tỉnh dậy sau giấc Urem 5 năm, với những năng lực tỉnh thức đặc biệt đã được chọn mang trọng trách tìm lối thoát cho căn bệnh này.
Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ năm khởi động từ tháng 9/2012 và hết hạn nhận bài vào tháng 3/2014. Mùa giải mới này, cuộc thi có nhiều điểm thay đổi nhằm khuyến khích các cây bút trẻ mạnh dạn tham gia, như: Hiển danh toàn bộ tác phẩm dự thi. Tác phẩm dự thi chất lượng tốt sẽ được xuất bản và nhận nhuận bút 10% trước ngày công bố kết quả chung cuộc. Tác phẩm dự thi có cơ hội được chọn chuyển thể thành phim truyền hình dài tập...
Bạch Tiên
Nguồn VNExpress