Kể từ ngày được tận mắt nhìn thấy hài cốt của người em ruột, rồi đưa về quê, ông Nguyễn Mậu Dương khôn nguôi nỗi nhớ bà con xã Tam Quan, Hoài Nhơn (Bình Định). Ông thường đứng bên gốc cây khế đầu sân, đăm đăm nhìn về nơi ấy…
Mùa hè năm 2005, anh Lê Văn Minh (gọi ông Dương là cậu ruột), cán bộ bưu chính viễn thông (BCVT) tỉnh Hà Tây dự cuộc họp ngành toàn quốc ở Đà Nẵng. Minh gặp một đại biểu tên là Kha, ở Bình Định. Anh thoáng giật mình sực nhớ: Một lần, anh nghe được ông Nguyễn Ngọc Hải - người duy nhất trong 5 thầy giáo ở thị xã Hà Đông cùng nhập ngũ một ngày (trong đó có ông Nguyễn Mậu Kha, em ruột ông Nguyễn Mậu Dương), còn sống trở về, nói rằng: “Ông Kha là Tiểu đội trưởng thông tin, hi sinh ở địa bàn khu vực Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”. Sự ngẫu nhiên này, liệu có phải điềm mừng?… Ông cán bộ BCVT tỉnh Bình Định nghe người đồng nghiệp mới quen bày tỏ nỗi niềm thì không nén nổi xúc động, liền triển khai việc tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha qua hệ thống BCVT huyện Hoài Nhơn (huyện duy nhất của tỉnh Bình Định có xã Tam Quan). Ngay hôm sau, ông được ông Xuyến phụ trách bưu điện xã Tam Quan thông báo “Đã thấy bia mộ liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha (sinh năm 1949, quê Hà Tây) tại nghĩa trang liệt sĩ của xã”.
Cả dòng họ Nguyễn Mậu ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông mừng không tả xiết. Ai cũng đòi đi ngay vào Tam Quan. Cụ Dương Thị Oanh, gọi ông Dương: “Con tổ chức việc đi vào với em. Sau rằm tháng bảy hãy đi. Em con hi sinh lúc chưa lập gia đình, vậy nên phải cho mấy đứa cháu vào với chú, với cậu. Nhưng tổng số chỉ 5 người. Chuẩn bị thật chu đáo. Nếu đưa được em về thì coi như là đi 5, về 6, phải mua cả vé đi đường cho em!”.
14 giờ ngày 22-8-2005, đoàn do ông Dương chủ trì gồm 5 người đã có mặt tại phòng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) huyện Hoài Nhơn. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, 9 giờ 30 ngày 23-8-2005, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Quan, gia đình đã được nhìn thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha kèm theo một cuộn nhỏ dây thông tin quân sự và một khối kim loại hình chữ nhật, to bằng ba bao thuốc lá Du lịch đặt nằm lên nhau nhưng không còn nguyên dạng. Tất cả được xếp cẩn thận trong tiểu. 22 giờ 9 phút ngày hôm đó, liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha đã về với vòng tay mẹ, trong sự đón rước không thể nói hết xúc động và lòng trân trọng của gia đình, làng xóm quê hương…
Giữa bầu không khí đó, ông Dương đã truyền đạt cho mọi người biết về tình cảm đặc biệt mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tam Quan, Hoài Nhơn dành cho gia đình. Chuyện ông Trưởng phòng LĐTBXH huyện suýt bật khóc vì qua hàng trăm trang sổ liệt sĩ, đã tìm thấy Thượng sĩ Nguyễn Mậu Kha, Tiểu đội trưởng Thông tin thuộc Trung đoàn 12, Quân khu 5. Về xã Tam Quan, đoàn được ông Xuyến (người tìm thấy bia mộ của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha theo kế hoạch của ông Kha cán bộ BCVT tỉnh Bình Định) đưa ra tận mộ. Ông Phú, xã đội trưởng hồi đánh Mỹ, người đã từng cùng ông Nguyễn Mậu Kha sát cánh chiến đấu với quân thù, nhìn bức ảnh chân dung gia đình mang vào, thì nói như reo lên: “Đúng Nguyễn Mậu Kha rồi!”, sau đó đưa mọi người tới chỗ ông Kha hi sinh, chỗ mai táng tạm thời trước khi quy tập hài cốt về nghĩa trang. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã cẩn thận liên hệ với cấp trên một cách thấu đáo, có lý, có tình; lại phân công người lo mọi việc để gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Ông Mai Hà phụ trách công tác Thương binh – Xã hội xã Tam Quan trực tiếp giải quyết công việc từ đầu chí cuối. Đồng đội của Thượng sĩ Nguyễn Mậu Kha ở quanh vùng đến thăm hỏi gia đình, ai biết việc gì, giúp việc đó. Sáng ngày 23-8-2005, trước giờ khai mạc Đại hội Đảng bộ xã Tam Quan nhiệm kỳ 2005-2010, toàn Ban chấp hành Đảng bộ xã có mặt tại nghĩa trang, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ và chứng kiến việc cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha; nghĩa Đảng - tình dân - hồn liệt sĩ hoà quyện thắm thiết… Nhớ lúc xong việc ở Tam Quan, ông Dương liên hệ với Ban quản lý sân bay Đà Nẵng giúp đỡ để bay ra Hà Nội chuyến 19 giờ. Gấp quá, không còn chỗ thường, chỉ còn đúng 5 ghế VIP. Biết rõ việc của gia đình, Ban quản lý sân bay đồng ý cho đổi 5 vé thường thành 5 vé VIP. Số tiền bù thêm theo quy định, bỗng nhiên được đoàn coi là vé thứ 6, vé của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kha, như lời cụ Oanh dặn dò khi trước...
Ông Dương cứ nhắc đi nhắc lại chuyện: Gia đình gửi tiền bồi dưỡng - vừa là chia vui với các đồng chí cán bộ xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn; với các nhân viên ở sân bay Đà Nẵng (đã giúp việc đổi vé, lại tận tuỵ cùng gia đình đóng hũ, niêm phong hài cốt liệt sĩ rất cẩn thận), nhưng tuyệt đối, cả ở xã, cả ở sân bay mọi người đều không nhận, ngược lại, chỉ nói đến tình nặng, ơn sâu... Trước đó, ông Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hoài Nhơn còn chỉ đạo tài vụ cơ quan ưu tiên cấp gấp một khoản tiền hỗ trợ gia đình…
Ngày 25-8-2005, vừa hoàn tất việc đặt hài cốt ông Nguyễn Mậu Kha tại nghĩa trang liệt sĩ Vạn Phúc, ông Dương trồng một cây khế ở đầu sân nhà, để nhìn vào nó, ông nhớ đến chỗ ông Nguyễn Mậu Kha đã cùng ông Phúc bàn việc chiến đấu trước ngày ông Kha hi sinh - Nơi mà, khi ông Dương được ông Phúc dẫn tới thăm, có một cây khế đang trĩu quả…






Phạm Xưởng