(CAND) -
Gần 30 năm rồi - kể từ ngày kết thúc thắng lợi Kế hoạch mang bí số CM12 (ngày 9/9/1984), nhưng trong ký ức của nhiều cán bộ từng tham gia Kế hoạch vẫn không thể nào quên những ngày tháng sống trong lòng dân mà đánh địch. Sự giúp đỡ quý báu, sự đóng góp hy sinh to lớn của nhân dân Minh Hải, nay là Bạc Liêu và Cà Mau đã góp phần đặc biệt quan trọng làm nên CM12 - chiến công lẫy lừng, trở thành mốc son trong trang sử vàng đáng tự hào của lực lượng CAND Việt Nam.
 
Chiều 8/9, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, người gắn chặt với Kế hoạch CM12 trong vai trò của một “Kinh Kha quốc nội” với ám danh NKA2. Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cho biết, hưu rồi, ông càng có thời gian, điều kiện trở lại những vùng quê của đất cực Nam của Tổ quốc - nơi ông từng đồng đội tham gia Kế hoạch CM12 từ ngày mở màn tới ngày kết thúc với thắng lợi hoàn toàn. Ông kể, ông vừa vận động rồi trực tiếp cùng một “Mạnh Thường Quân” từ TP Hồ Chí Minh về tận các vùng quê ven biển thuộc hai huyện Đầm Dơi và U Minh (đều thuộc tỉnh Cà Mau) để tặng 120 chiếc xe đạp và hàng ngàn quyển tập cho học sinh nghèo nơi đây.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm nhiều lần bộc bạch với tôi rằng, ông luôn cảm thấy mình còn mắc nợ bà con vùng Cà Mau, Bạc Liêu. Chính từ suy nghĩ đó, đến nay, ông đã vận động, xây giúp cho nhiều xã thuộc các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước và Đầm Dơi,… trên 20 căn nhà tình nghĩa, tình thương, gần 20 cầu giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa hàng chục kilomet đường, hơn 20 ngàn phần quà cho đồng bào nghèo nhân dịp lễ, Tết, khai giảng năm học mới. Tôi nhớ hoài câu chuyện, khi người bạn đời của Thiếu tướng Hồ Việt Lắm qua đời, ông đã dành toàn bộ tiền phúng điếu để tri ân lại vùng quê nghèo của huyện Trần Văn Thời - nơi ông từng chiến đấu, trưởng thành rồi gắn chặt với chiến công CM12.
Nhắc lại chuyện của gần 30 năm trước, tức trước khi Kế hoạch CM12 mở màn (lúc đó Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời), ông cho biết địa bàn huyện này là trọng điểm của bọn tội phạm tổ chức trốn ra nước ngoài. Nếu không có các “Tổ đi bờ” (vừa đi nhặt vật rơi bãi biển, vừa giúp Công an giám sát, nghe ngóng địa bàn, đối tượng,…) của nhân dân, kịp thời cung cấp cho Công an những nguồn tin giá trị thì tình hình ANTT ven biển, nhất là tình hình đưa người vượt biên trái phép, sẽ diễn biến rất phức tạp. Từng có vụ đối tượng dùng phương thức lập công ty khai thác đá ở Hòn Đá Bạc nhằm tập hợp người đi nước ngoài; thậm chí chúng còn giả Công an, mua tàu sắt, trang bị vũ khí để vượt biên...
Đại tá Trần Phương Thế (Tám Thậm) - Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh (khi được phân công tham gia Kế hoạch CM12 đang là Trưởng phòng Phòng Chống gián điệp - Công an tỉnh), là người từng có thời gian cùng ăn, ở và sống cùng với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, với ám danh NKA1 từng kể với PV Báo CAND rằng, người dân ven biển Cà Mau bấy giờ rất nghèo khó, luôn bám biển để mưu sinh với ngư cụ là đăng, đó, lưới cá,…
Khi bắt đầu Kế hoạch CM12, nhiều khu vực bãi biển bỗng dưng bị “hạn chế”, nhưng hiểu được ý nghĩa của sự bình yên, nhiều bà con đã thay đổi kế mưu sinh. Người dân còn nhiệt tình giúp phương tiện, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ. Và có nhiều tình huống dù rất nhỏ nhưng nếu không được sự giúp đỡ của nhân dân thì Kế hoạch CM12 sẽ bị ảnh hưởng hoặc gặp khó khăn rất nhiều.
 
Lực lượng CAND bám trụ lòng dân, làm nên chiến thắng lẫy lừng 3_ban2601-450
Ban Chỉ huy Chuyên án CM12 tại Cà Mau. Ảnh tư liệu.
 
Lần tôi tìm đến thị trấn huyện Trần Văn Thời để gặp… K64 - ám danh một thời của Phạm Công Danh, ông kể rằng trong đêm 15/5/1981, nếu không được bà con rộng lòng cho quá giang (sau chặng đường lội hàng chục kilomet bãi bồi và không còn đủ sức để lội nữa) để về nhà, sáng sớm hôm sau tự thú với Công an huyện (tình tiết dẫn đến sự kiện mở màn cho Kế hoạch CM12 - PV), cuộc đời của ông có khi rẽ sang ngã khác…
 
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 8/9, Thượng tá Nguyễn Chánh Trực – Phó trưởng Phòng PX15 Công an tỉnh Cà Mau, kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý Di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc cho biết, kể từ khi di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, lượng khách đến tham quan, nghe kể chuyện chiến công CM12 ngày càng đông. Năm 2011, có gần 150 đoàn khách trong, ngoài nước và khoảng 16.000 lượt khách đến với Di tích.
 
Một lần NKA2 – tức Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cùng K64 ghé nhà một người dân để hỏi muợn chiếc xuồng. Sau khi dò xét (bà con sợ đó là dân vượt biên giả bộ đội do cả hai đều mặc quần áo bộ đội - PV) và biết đó là Công an đang làm nhiệm vụ, chủ nhà đã ra sau nhà rồi khuấy 2 ly trà đường, bưng lên, giọng như với con cháu trong nhà: “Tui thấy hình như hai chú mỏi mệt lắm rồi phải không. Uống ly trà này cho lợi sức rồi ra lấy xuồng”. Gần 30 năm rồi, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện này, cả Thiếu tướng Hồ Việt Lắm và ông Danh vẫn xốn xang trước tấm lòng của bà con.
Nhiều lần đến Cà Mau để tìm hiểu chiến thắng CM12, chúng tôi được nghe kể về những người dân quả cảm, đã lặng lẽ hy sinh mọi riêng tư khi Tổ quốc cần. Đó là má Sáu ở vàm Tham Trơi - người đã cho mượn vườn sau nhà để làm kho vũ khí giả khi bọn Túy – Hạnh vào “quốc nội” kiểm tra năm 1982; là ông Phan Văn Tài ở vàm Rạch Ruộng - người đã cho mượn vườn lá sau nhà làm “mật cứ”… giả; là ông Tạ Văn Thạnh ở rạch Chồn Gầm - người đã cho mượn nhà để cất giấu vũ khí mà ta thu được của địch; là ông Tư Hà ở thị trấn Sông Đốc - người cho mượn tàu vận chuyển vũ khí;…
Lực lượng CAND nói chung không thể nào quên sự giúp đỡ quý báu, sự đóng góp hy sinh to lớn của nhân dân, góp phần làm nên những chiến công như CM12. Như thay lời tri ân, trong nhiều năm qua, Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước gần như chuyến nào về Cà Mau, thăm Di tích Hòn Đá Bạc cũng mang theo những món quà thiết thực cho bà con những vùng quê của Cà Mau còn nhiều gian khó.
Lực lượng CAND vẫn lấy mốc son chói lọi từ chiến thắng CM12 để làm bài học nghiệp vụ, và giáo dục truyền thống, ra sức thi đua giữ vững sự ổn định ANTT – tiền đề quan trọng để vùng đất thiêng cực Nam của Tổ quốc có điều kiện giàu đẹp.
 
Theo đánh giá, Kế hoạch CM12 là một trong những trận đánh tốt nhất, hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng CAND kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng CAND Việt Nam.
Trong hơn 3 năm (từ 1981 đến tháng 9/1984), địch đã đưa quân về trong nước và chúng ta đã đón bắt tại Hòn Đá Bạc 18 chuyến xâm nhập, với 189 tên gián điệp, biệt kích, trong đó có 2 trong 3 tên cầm đầu tổ chức; 143 lượt tàu với 3.679 khẩu súng các loại; 90 tấn đạn; 1.200kg chất nổ; 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác.
Ta đã bắt sống Mai Văn Hạnh và phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức tôn giáo…