Sau mỗi tiết giảng trên lớp, điều quan trọng là người học đã lĩnh hội được kiến thức gì về những nội dung mà thầy đã truyền đạt. Đó là vấn đề tất yếu và cũng là mục tiêu cần đạt được của quá trình dạy học. Nhưng hãy xem xét ở một góc độ khác, người thầy giáo đã tạo được những dấu ấn gì về phía người học, để mãi về sau này, khi không còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng những ký ức về người thầy năm xưa cùng với những tình cảm tốt đẹp nhất vẫn nồng cháy một cách mãnh miệt trong tâm hồn của người học.


     Đây thật sự là động lực to lớn để người thầy tiếp tục phấn đấu và cống hiến nhiệt huyết của bản thân, đào tạo thế hệ tương lai vừa hồng, vừa chuyên góp phần dựng xây quê hương, đất nước. Không phải một người thầy vĩ đại, có kiến thức uyên thâm, năng lực giảng dạy vượt trội mới gây được ấn tượng về phía người học. Đó có thể là những cử chỉ, hành động đơn giản thể sự quan tâm, hỏi han hay một lời động viên chân thành để người học khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập. Đó có thể là sự thân thiện, giản dị, chân tình của người thầy trong giảng dạy và cả trong sinh hoạt đời thường...
     Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải thầy giáo nào cũng gây được ấn tượng đối với sinh viên, và cách gây ấn tượng ở mỗi thầy giáo là hoàn toàn khác nhau. Trải qua một thời gian *** sách đến trường, một chút kinh nghiệm trong nghề, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ của bản thân về những kỹ năng để người thầy tạo ấn tượng đối với người học.
     1. Hãy ghi dấu ấn ngay từ lần gặp gỡ, tiếp xúc đầu tiên với người học.
     Có nhiều cách để tạo ấn tượng đối với người học, nhưng có lẽ, để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là buổi tiếp cận ban đầu. Điều này đòi hỏi người thầy giáo phải chuẩn bị tốt về trạng thái tâm lý, đủ năng lực tư duy và sức khỏe cần thiết để duy trì quá trình truyền đạt kiến thức về môn học mà thầy đảm nhận. Sự uể oải, thiếu thân tình hoặc tự cao về khả năng, năng lực nghiên cứu... là điều người thầy nên tránh. Buổi gặp gỡ lần đầu tiên, nếu học viên thiếu thiện cảm thì trong suốt thời gian còn lại, người thầy dù có cố gắng "níu kéo" tình cảm, sự yêu mến của người học đến mấy thì cũng trở thành vô nghĩa. "Một lần mất tín vạn lần mất tin" là câu nói của dân gian nhắc nhở chúng ta chú ý cần tạo những thiện chí tốt đẹp ngay từ lần gặp đầu tiên. Thực tế cho thấy, ấn tượng đầu tiên của học viên về người thầy rất khó thay đổi và nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập sau này.
     Trong thực tế, độ tuổi, thâm niên công tác cũng như năng lực nghề nghiệp ở mỗi thầy giáo là khác nhau. Nhưng điều đó không quyết định toàn bộ đến việc ghi dấu ấn đối với học viên. Người thầy giáo phải cố gắng khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân, đồng thời phát huy năng lực, sở trường, năng khiếu cá nhân để tạo những tình cảm tốt đẹp nhất đối với người học.
     Ở một khía cạnh khác, đối tượng mà người thầy tiếp cận là hoàn toàn khác nhau Trong lần gặp gỡ đầu tiên cần dành ít thời gian để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người học bằng cách phát những mảnh giấy nhỏ để học viên ghi tóm tắt tên, tuổi, quê quán, số điện thoại liên lạc cũng như những đề xuất về môn học. Đây thực sự là những cử chỉ nhỏ nhưng có ý nghĩa, giá trị lớn lao. Nó vừa giúp người thầy nắm bắt hoàn cảnh, đặc điểm, tư tưởng, tình cảm của người học, vừa là nhịp cầu để nối sự yêu thương, thân thiện và gần gũi giữa thầy và trò. Nhiều giảng viên lại cho rằng, nên thể hiện thái độ căng thẳng, nghiêm khắc với học viên, như thế học viên mới chăm chỉ học tập, hoàn thành các khối lượng công việc mà thầy giao cho, còn ngược lại học viên sẽ chay lười học tập, không tôn trọng thầy giáo. Tôi lại suy nghĩ ở một góc độ khác, trách nhiệm của người học đã quy định một cách rõ ràng. Học là để lĩnh hội tri thức cho chính bản thân học viên, phục vụ công tác, chứ không phải học "cho thầy". Những trường hợp học viên chay lười, thiếu nghiêm túc trên lớp, không làm hết phần việc mà thầy giao phó thì người thầy giáo cần có những sự nghiêm khắc nhất định. Phải làm sao để giúp học viên có một động cơ học tập thật đúng đắn, phấn khởi tìm tòi, nghiên cứu tự học để lĩnh hội tri thức. Đó không chỉ là trách nhiệm của đội ngũ giáo viên mà còn là trách nhiệm của nhà quản lý giáo dục, của ban chỉ huy lớp, của Ban chấp hành chi đoàn, của trung đội, tiểu đội...
     Sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân được bao cấp về điều kiện vật chất, trang thiết bị cho quá trình học tập nên trong ý thức của một bộ phận học viên còn ỷ lại, thiếu thái độ cầu tiến, động cơ học tập không đúng đắn. Từ đó đặt ra trách nhiệm của người giáo viên, nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là trong lần gặp gỡ đầu tiên, cũng như trong suốt thời gian học tập cần dành thời gian quan tâm, tạo những định hướng cần thiết để học viên hăng say trong nghiên cứu và học tập.
     Những biểu hiện thiếu thân tình trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa thầy và trò cần nên tránh. Ta thường gặp trong thực tế, nhiều giáo viên thể hiện tính nóng nảy, đưa ra những hình phạt khắc nghiệt, bắt học viên phải nhất nhất tuân theo. Đó thực sự không phải là những biện pháp mang tính giáo dục cao. Cần nhận thức được một điều rằng, môi trường giáo dục chỉ dùng "đòn roi" là không đủ, cần chú ý thuyết phục, đánh vào tư tưởng để họ xác định lại động cơ, mục đích của việc học. Giáo dục để người học tiến bộ, chứ không phải là dùng biện pháp mạnh để họ sợ hãi mà chấp hành theo. Nhiều giáo viên cho rằng đó cũng là cách ghi dấu ấn, ấn tượng trong học viên. Nhưng thiết nghĩ, đó chỉ là ấn tượng "xấu", đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp mà trong giáo dục đang hướng tới.
Nguồn Trường TCCSGT