Dẫn nhập

Điều 2 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013, khẳng định:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Như vậy về cơ bản Hiến pháp sửa đổi vẫn tiếp tục khẳng định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới như đã được đề cập trong nội dung Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) như: Khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công trong thực hiện quyền lực nhà nước…

Bên cạnh đó Điều 2 Hiến pháp sửa đổi có hai vấn đề mới được bổ sung:

Thứ nhất; Hiến pháp khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ”; thực chất đây không phải là quy định mới, bởi tại các bản Hiến pháp trước đây (Hiến pháp 1980; Hiến pháp 1992), đều đã quy định nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – tức là nhân dân là người làm chủ đất nước. Tuy nhiên với quy định này Hiến pháp sửa đổi chúng ta muốn khẳng định một cách cụ thể và rõ ràng hơn quyền làm chủ của Nhân dân đối với Nhà nước.

Thứ hai; bên cạnh việc tiếp tục khẳng định các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp được phân công thực hiện một cách rạch ròi thông qua cơ chế phân công, phân nhiệm, thì còn cần phải có một cơ chế để kiểm soát các nhánh quyền lực này một cách hiệu quả; cụm từ “kiểm soát” được đưa vào nội dung khoản 3 của điều luật này như là một cơ chế bảo đảm cho việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước được tiến hành một cách chính xác và đạt hiệu quả; hạn chế đến mức tối đa việc lạm quyền và lộng quyền trong thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; tạo tiền đề, cơ sở để xây dựng thành công nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày những nét cơ bản về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định trong Hiến pháp sửa đổi để đảm bảo việc thực hiện quyền lực từ phía các cơ quan công quyền, cán bộ công chức được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả nhất; bảo đảm nhà nước người dân thực sự chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Vấn đề thứ nhất chúng ta cần phải giải quyết đó là: Tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước, và quyền lực nhà nước cần được kiểm soát như thế nào?

Chúng ta đều biết rằng quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có trong tay quyền lực nhà nước là do nhân dân ủy quyền; Tuy nhiên các cán bộ công quyền cũng chỉ là con người, không phải là thần thánh, chính vì vậy họ cũng hoàn toàn có thể mắc sai lầm, vì thế để hạn chế những sai lầm, thiếu sót trong thực thi quyền lực nhà nước thì phải kiểm tra, kiểm soát để tránh lạm quyền. Hơn thế từ cổ đến kim khát vọng lớn nhất của con người đó chính là khát vọng quyền lực, vì vậy với một con người cụ thể thì khi đã nắm quyền lực trong tay thì rất khó để người đó chia sẻ quyền lực cho người khác, “kể cả các cơ quan, tổ chức, thậm chí cả giai cấp, tầng lớp, nhóm… trong xã hội, vì đó cũng bao gồm con người. Do đó, quyền lực trong xã hội cần được kiểm soát, nếu muốn có dân chủ, công bằng, tự do…”[1]

Bên cạnh đó rõ ràng nếu chúng ta chỉ thuần túy là phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước, thì rất khó để một cơ quan ở nhánh quyền lực này khi phát hiện ra những sai sót, sai lầm trong tổ chức thực thi quyền lực nhà nước của một cơ quan khác ở nhánh quyền lực khác lại có thể yêu cầu cơ quan đó dừng ngay lập tức những vi phạm, mà chủ yếu là lại chỉ cùng cơ quan đó khắc phục hậu quả của những sai lầm đó mà thôi. Vì vậy để hạn chế đến mức cao nhất có thể những thiệt hại cho nhà nước và xã hội từ những thiếu sót, sai lầm trong thực thi quyền lực nhà nước, thì vấn đề kiểm soát quyền lực là vô cùng cần thiết.

Mục đích của việc kiểm soát quyền lực nhà nước là đảm bảo cho quyền lực nhà nước không bị lạm dụng, ngăn chặn các hiện tượng, xu hướng quan liêu, độc tài, chuyên quyền, độc đoán trong bộ máy nhà nước, không bị sử dụng trái với ý chí của nhân dân. Khi quyền lực càng tập trung, thì khả năng kiểm soát nó càng khó. Nếu không có sự kiểm soát tốt nó trở thành rào cản của tự do và dân chủ.Xã hội càng phát triển, quyền lực nhà nước càng lớn thì yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước càng phải tăng lên.

Vậy quyền lực nhà nước cần được kiểm soát như thế nào?

Chúng ta có thể kiểm soát quyền lực bằng các phương pháp khác nhau như: Kiểm soát trong hay kiểm soát ngoài; trong đó kiểm soát trong tự là tự kiểm tra, tự kiểm soát. Về mặt lý thuyết thì đây là phương pháp kiểm soát mang lại hiệu quả cao nhất và triệt để nhất. Tuy nhiên trong thực tế đây lại là phương pháp rất khó có thể thực hiện bởi con người luôn có xu hướng tự biện minh, ngụy biện và thỏa hiệp đối với những sai lầm của chính bản thân mình.

Như vậy muốn kiểm soát được quyền lực nhà nước một cách triệt để và hiệu quả thì cần phải thực hiện tốt cơ chế kiểm soát ngoài tức là dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực; và nếu muốn như vậy thì quyền lực kiểm soát phải cân bằng với quyền lực bị kiểm soát (Check and Balance), và phải ở ngoài quyền lực bị kiểm soát.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013

Kiểm soát từ phía Nhân dân

Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Hiến pháp 1946), các nhà lập hiến đã khẳng định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, và tư tưởng nhất quán này luôn được thể hiện qua các bản Hiến pháp sau này của chúng ta. Tại hiến pháp sửa đổi lần này, để đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự là thuộc về nhân dân, ngoài việc định ra cơ chế quan trọng để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6); thì Hiến pháp sửa đổi cũng đã có những quy định mới trong chế định Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện sự giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân đối với Nhà nước cũng như đối với đội ngũ cán bộ công chức nhà nước bằng cách quy định thêm (hoặc cụ thể hơn), một số quyền của công dân, cụ thể như quy định tại khoản 2 Điều 14 quy định quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp thực sự cần thiết; hay như quyền được tiếp cận thông tin được quy định tại điều 25 của Hiến pháp sửa đổi.

Việc quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin không chỉ thuần túy là mở rộng quyền thông tin của công dân đã được quy định tại điều 69 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung) năm 2001, mà thực chất đây là một trong những phương pháp hữu hiệu để Nhân dân có thể kiểm soát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức Nhà nước và thông qua đó có thể kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Hay như nếu trước đây Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung) năm 2001 tại Điều 53 chỉ quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”; thì hiện nay tại điều 28 Hiến pháp sửa đổi ngoài việc tiếp tục ghi nhận quyền trên của công dân thì Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm cụ thể của Nhà nước trong việc phải công khai, minh bạch trong tiếp nhận, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của công dân.

Kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước

Thứ nhất; kiểm soát thông qua việc phân công, phân nhiệm cụ thể hơn, rạch ròi hơn: Để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức bộ máy Nhà nước, Hiến pháp sửa đổi ngoài việc vẫn quy định vấn đề phân công, phối hợp trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước cũng đã được thể hiện. Và để thuận lợi cho cơ chế kiểm soát quyền lực, vấn đề phân công, phân nhiệm, tạo ra sự cân bằng trong thực hiện quyền lực nhà nước tại Hiến pháp sửa đổi cũng đã thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng hơn. Cụ thể tại Điều 69 Hiến pháp sửa đổi khẳng định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”; Điều 94 quy định “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp…”; Điều 102: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Mặc dù không phân chia quyền lực như một số bản Hiến pháp của các nước tư sản[2], nhưng với quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; Chính phủ là cơ quan thực hành quyền hành pháp, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp đã thể hiện sự phân công rạch ròi và dứt khoát hơn trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước, cũng như từng bước tạo ra sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực, từ đó tạo điều kiện để có thể có những cơ chế hữu hiệu nhằm mục đích kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai; kiểm soát thông qua cơ chế giám sát lẫn nhau trong tổ chức và hoạt động: Tại điều 70 của Hiến pháp sửa đổi khi quy định về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, chúng ta thấy về cơ bản các nội dung thể hiện quyền giám sát, của Quốc hội về cơ bản vẫn được giữ nguyên như Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001), thì tại khoản 8 của điều này đã có thêm một quy định mới thể hiện sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn đối với các cá nhân được Quốc hội trao quyền đó là Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Với quy định này, chắc chắn việc kiểm soát quyền lực từ phía Quốc hội sẽ được thực hiện một cách thường xuyên và dĩ nhiên kết quả cũng sẽ khả quan hơn. Như vậy rõ ràng với việc bổ sung thêm cho Quốc hội quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một bước tiến quan trong trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía Quốc hội.

Cũng nhằm mục đích này, tại điều 88 Hiến pháp sửa đổi, khi quy định về nhiệm vụ quyền hạn của người đứng đầu Nhà nước, chúng ta thấy ngoài những nhiệm vụ quyền hạn như đã được thể hiện ở Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001), thì trong Hiến pháp sửa đổi Chủ tịch nước còn có quyền: “…quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”[3]; bên cạnh đó đối với tổ chức và hoạt dộng của Tòa án, ngoài đề nghị Quốc hội bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Chủ tịch nước còn có thêm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán các Tòa án khác (quyền này trước đây thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), hay như quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình[4]; đây chính là một cơ chế quan trọng để người đứng đầu nhà nước có thể kiểm soát tốt hơn, chặt chẽ hơn hoạt động của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và là cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

Kết luận

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; chính bởi vậy muốn xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thì ngoài việc cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng mở rộng và tôn trọng các quyền tự do dân chủ của công dân, thì rất cần có sự phân định rạch ròi trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, cũng như tạo ra một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi 2013), đã góp phần từng bước tạo ra sự phân định rạch ròi hơn, cụ thể hơn về quyền lực nhà nước cũng như cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực nhà nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, hướng tới một bộ máy nhà nước hoạt động thực sự có hiệu quả, góp phần đưa đất nước tiến lên những tầm cao mới.