Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và công tác đào tạo giáo dục trong lực lượng Công an nói riêng.
Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác đã 8 lần đến thăm trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân).

Ông Vũ Thế Ngọc - nguyên cán bộ cảnh vệ (sau này là Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân) kể lại kỷ niệm bảo vệ Bác Hồ thăm trường Công an Trung ương vào tháng 2/1951 tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang: "Hôm đó, mới sớm tinh mơ, đồng chí Trần Dung - Hiệu trưởng nhà trường gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Vừa vào phòng, đồng chí Trần Dung chỉ vào điện thoại và nói: "Đồng chí ngồi đợi cấp trên giao nhiệm vụ".
Lúc sau chuông điện thoại đổ, tôi nhấc ống nghe. Đầu dây đằng kia, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương giao nhiệm vụ: "Đồng chí ra đồn công an Cầu Cả đón đoàn khách đặc biệt". Đồng chí còn chỉ thị cho tôi tìm một nhà dân đảm bảo an toàn cách trường không xa để đoàn nghỉ qua đêm.

Ra đến đồn công an Cầu Cả, tôi thấy đồng chí Luân - Trưởng đồn, đồng chí Kim Đa và đồng chí Nghiêm Đình Hải - cán bộ Đại đội 123 đang chờ sẵn. Vì nguyên tắc giữ bí mật, tôi không dám hỏi, chỉ đoán khách có thể là các đồng chí cán bộ miền Nam ra học.

Sau khi hội ý, chúng tôi chọn nhà ông Vàng để khách nghỉ ngơi. Gần trưa, vừa chuẩn bị xong thì từ xa có mấy người đang đi đến. Đi giữa là một cụ già mặc bộ quần áo gụ, đội mũ cát. Tôi hơi ngờ ngợ, rồi nhận ra và khẽ reo lên: "Bác Hồ! Bác Hồ các đồng chí ơi!". Tất cả chúng tôi chạy ùa ra đón Bác.

Sau khi nghỉ ngơi, 1 giờ 30 chiều, Bác sang thăm trường. Hồi đó học viên của trường là những cán bộ cốt cán ở các địa phương được cử đi học, chủ yếu là Trưởng phòng, Trưởng công an huyện. Ra đón Bác có đồng chí Trần Duy Hưng, đồng chí Lê Giản, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc và đồng chí Trần Dung. Bác lên hội trường, mọi người nhìn thấy Bác, không kìm nổi xúc động hô to: "Chúng cháu chào Bác ạ!".

Không có khoảng cách giữa một vị Chủ tịch nước với các chiến sỹ công an, mà như là người cha lâu ngày về thăm nhà, không khí thật ấm cúng. Mặc dù đã quy định nhưng mọi người bỏ cả chỗ của mình, kéo đến quây quần bên Bác. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người ổn định trật tự. Cả hội trường bỗng im phăng phắc. Bác hỏi đồng chí Lê Giản: "Lớp học của chúng ta có bao nhiêu người?".

Đồng chí Lê Giản lễ phép trả lời: "Thưa Bác! Lớp học tất cả có 185 người trong đó có 2 học viên nữ". "Thế là chưa được. Nam nữ chưa bình đẳng, bình quyền đâu nhé!", rồi Bác hỏi tiếp, "Thế công an đối với dân như thế nào?". "Thưa Bác! công an là bạn của dân ạ". "Bạn của dân thôi à? Chưa đủ. Công an phải là đầy tớ của dân, phải bảo vệ và một lòng phục vụ nhân dân. Các chú là công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải không ngừng rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ. Tuyệt đối không được bắt oan, không được dùng nhục hình để xét hỏi", Bác nói và nhấn mạnh hai từ "đầy tớ".

Tiếng nói của Bác ấm áp, truyền cảm. Ở dưới, các học viên như nuốt từng lời. Sau buổi nói chuyện, chúng tôi xin phép được chụp ảnh cùng Bác. Ai cũng muốn được đứng gần Bác. Thấy mọi người sắp xếp chỗ đứng mãi chưa xong, Bác quay lại khoát tay nói: "Thôi để Bác giữ trật tự cho các chú công an vậy!". Tất cả mọi người cười hân hoan.