TT - Câu chuyện về một bà cụ 78 tuổi yêu thích làm thơ và thường "rưng rưng trước những mảnh đời không may mà bà bắt gặp hằng ngày".
Cụ bà 78 tuổi thích làm thơ và làm việc thiện Ec?url=http%3a%2f%2fstatic.new.tuoitre.vn%2ftto%2fi%2fs626%2f2014%2f09%2f28%2fo3sEsjH5.jpg&t=1412691126&sig=LA6n1zAyzH5CK Ở đâu đó nơi dòng chảy nhịp sống thường ngày ở TP.HCM có rất nhiều tấm gương người tốt việc tốt bình dị... Ảnh tư liệu.
Ở tuổi 78, người con gái Kinh Bắc ngày nào giờ sống với niềm vui thiện nguyện và trải lòng mình ra với những vần thơ “quê mùa, dân giã”.
Buổi tối ở căn nhà trong hẻm 140 Võ Thị Sáu (P.4, Q.3, TP.HCM), bà Ngô Thị Minh Lệ lặng lẽ ngồi trong phòng khách. Căn nhà dường như thênh thang hơn, yên lặng hơn.
Cụ ông đang phải nằm viện mấy ngày nay vì bị té chấn thương chân. Xung quanh bà, những tập giấy được xếp gọn ghẽ trên bàn.
Đó là bản thảo hàng trăm bài thơ bà viết liên tục trong nhiều năm. Những vần thơ vui tuổi già, ngoài những nhớ mong miền quê hương Kinh Bắc, còn là miên man niềm thương cảm.
Với cô gái bán hoa đứng bên đường, bà thấy cảnh “váy đầm, áo hở đôi vai lạnh lùng” mà thương cho họ.
Với người đạp xích lô, bà thấy “Mồ hôi thấm áo ướt khăn quàng đầu/Có hôm con đói vợ đau/Mong sao kiếm đủ cháo rau qua ngày”.
Nhưng khi hỏi chuyện, bà biết được dù gia cảnh khó nghèo, gia đình anh đạp xích lô vẫn êm ấm thuận hòa, con cái giỏi giang, bà chợt nghĩ “nghề gì cũng do tâm mình, không vì thiếu thốn nghĩa tình bỏ qua”.
Một lần, đi tập thể dục ở công viên tôi Đàn, bà Lệ chợt thấy một bà cụ bán đậu phộng, cũng trạc tuổi mình mà vẫn phải gồng gánh mưu sinh.
Hỏi chuyện mới biết bà cụ bán hàng rong cũng rất mê thơ, họ đọc cho nhau nghe những vần thơ tự sáng tác.
Hôm đó, bà Lệ giúp người bạn già kém may mắn ấy được một số tiền, đêm về lòng vẫn chưa yên, trằn trọc cảm tác mấy dòng thơ:
“Cũng sinh ra một kiếp người/Cũng hiền cũng dịu cũng tươi má đào/Thế mà phận bạc lao đao/Tuổi già còn biết việc nào kiếm ăn...”. 
Bà Lệ rất chăm đọc báo, xem tivi. Thấy những hoàn cảnh cần giúp đỡ là bà thận trọng ghi lại địa chỉ. Nếu sức khỏe cho phép, dù xa cách mấy bà cũng đến tận nơi thăm rồi tìm cách giúp đỡ. Đồng Nai, Củ Chi... hình ảnh của bà đã trở nên quen thuộc với nhiều mái ấm.
“Càng đi càng thấy xã hội còn nhiều người khổ quá, thiệt thòi quá. Tôi đã gặp những sư thầy, những linh mục, cả những người bình thường dành cả cuộc đời mình để chăm lo cho những người bất hạnh đó mà thấy cảm phục vô cùng. Họ đã dạy tôi, cho đi là thanh thản, là hạnh phúc của mình” - bà Lệ tâm sự.
Bây giờ tuổi tác đã nhiều, bệnh tật cũng bắt đầu thăm viếng nhiều hơn trước, bà Lệ không còn đi xa được nữa. Một người cháu gái là chị Phùng Thị Bưởi, làm nội trợ, hay qua lại chuyện trò đã thay bà làm việc đó.
Sau thời gian gần gũi bà, chị Bưởi cũng bắt đầu dành dụm tiền để cùng bà làm việc thiện. Chị nói mình giống như sứ giả, sứ giả cũng nên có một chút quà riêng của mình.
Bà Lệ góp cho bộ đội Trường Sa 3 triệu đồng, rồi 20 triệu đồng, chị Bưởi cũng góp phần trong đó. Chị vui lắm.
Dường như điều thiện lan tỏa, được nhân lên từ những tấm lòng lành.

MAI HOA