Đầu tháng 10 này, trên một số trang báo mạng đã tung bài viết về vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 16h20 ngày 30/9, tại ngã tư giao giữa đường Nguyễn Đức Cảnh và đường Lê Hồng Phong (TP Vinh) khiến một nữ sinh bị thương mà các đồng chí công an “mải lo” vẽ lại hiện trường, để nạn nhân nằm một chỗ. Sau khi bài viết được loan tải, thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận trái chiều về hành động của cán bộ Công an xử lý vụ việc. Sự thật thì sao?

Quả thật, khi thấy hình ảnh trên, lại được một số báo bồi thêm dòng tít: “Công an mải bảo vệ hiện trường bỏ mặc nữ sinh chảy máu nằm bất động; Nữ sinh chảy máu nằm bất động, công an lo vẽ hiện trường…”, thì ai chẳng bất bình, nhiều người sau đó vội đả kích cán bộ Công an thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng người dân. Nhưng ít ai đặt câu hỏi ngược lại vì sao Công an lại để nạn nhân nằm một chỗ? Tin rằng, bất cứ ai làm trong ngành y tế hoặc đã qua huấn luyện sơ cấp cứu đều hiểu, những giây phút đầu tiên sau va chạm nghiêm trọng là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc cứu sống một con người. Vì nếu những vết thương đó ở đầu, không cẩn thận sẽ làm nguy hại đến tính mạng, cách tốt nhất là để nạn nhân nằm một chỗ và đợi bác sĩ đến sơ cứu. Thế thì, trong trường hợp này CA TP.Vinh làm đúng hay sai?
Lại nhớ, vào hồi tháng 4 rồi, chẳng biết nghe tin từ đâu mà hàng loạt báo mạng đưa tin “Bốn Công an dùng nhục hình, xát ớt bột vào bộ hạ một thanh niên”. Từ việc trích dẫn, những trang mạng sau đó còn có các bài được cho là “điều tra”, đưa thêm những chi tiết khiến người đọc phải nổi gai ốc.
Vụ việc chỉ được giải tỏa khi Đại tá Phạm Hữu Châu, Phó Giám đốc Công an Long An khẳng định với báo chí, nội dung thông tin trên là không chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín Công an địa phương. Sự việc chỉ là Công an huyện giải quyết vụ gây thương tích, tạm giữ một thanh niên. Việc thanh niên này bị thương ở đầu gối là do đánh nhau với lái xe, còn thương tích ở bụng do bị ngã. Quá trình khám, siêu âm, chụp Xquang, chụp CT-Scan tại bệnh viện cũng không phát hiện tổn thương nào, không hề có chuyện xát ớt bột vào vùng kín như một số báo loan truyền.
Tỉnh táo trước những chiêu trò chụp mũ làm sai lệch hình ảnh Công an Phiendien
Những lát cắt phiến diện, quy chụp từ hiện tượng, sau đó thêm thắt bằng những câu từ, chi tiết, hình ảnh có dụng ý tiêu cực khiến dư luận bị “bẻ lái” sang hướng khác, rất nguy hại
Tương tự, hôm 3/8, khi xảy ra vụ đối tượng Phạm Duy Quý gây thảm án tại Thanh Hà, Hải Dương, dùng dao chém chết 4 người thân trong gia đình. Không biết nghe tin ở đâu mà đã có bài báo vội vàng giật tít “9x giết 4 người thân là con trai Trưởng Công an xã”, sau có báo mạng lại giật tít thành “con trai xã đội trưởng gây thảm án”… Dù thực tế đối tượng gây án không phải con Công an.
Lối viết không kiểm chứng nguồn tin, tự do giật tít, đưa vụ việc hướng vào chuyện này, chuyện khác, con ông này, bà kia gây án… không hề mang tính giáo dục, nhân văn, vốn là chức năng mà báo chí cần phải có. Đáng trách hơn khi mà một số sự việc dù được làm sáng tỏ, một số báo và trang tin điện tử đã đăng tin sai vẫn không đính chính hoặc gỡ xuống. Họ coi thường người đọc, hay họ muốn “tiếp sức” cho những kẻ lợi dụng tin này để bình luận tiêu cực về lực lượng Công an?
Trong một sự việc khác, hôm 5/10, các báo đồng loạt đưa tin có một thi thể bị chặt làm 3 khúc ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Sau khi bài viết được loan tải, đã thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Sự thật thì việc phát hiện một thi thể tại khu vực trên là có thật, tuy nhiên “không hề có chuyện người đàn ông bị phân xác”, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã khẳng định như vậy tại cuộc họp UBND TP chiều 6/10.
Thật không hiểu các báo lấy thông tin thi thể bị phân xác ở đâu ra? trong vô số các phóng viên đưa tin liệu có ai tận mắt nhìn thấy thi thể? Bao nhiêu phóng viên đã kiểm tra thông tin tại cơ quan chức năng trước khi viết tin? Bây giờ, mọi chuyện vỡ lẽ, thi thể không bị chặt, chia khúc. thi thể nguyên vẹn. Ai chịu trách nhiệm về thông tin sai, thông tin gây hoang mang dư luận?
Với thực trạng tự do phóng bút như hiện nay của một số phòng viên rất đáng báo động, người đọc cần phải tỉnh táo trước các chiêu trò chụp mũ dắt mũi dư luận theo ý đồ của người viết. Bởi trong ma trận thông tin hiện nay, để cạnh tranh, muốn câu khách, không ít trang báo sẵn sàng dẹp đạo đức nghề sang một bên và chạy theo lối câu view bằng cách “nhắm” vào Công an dưới các dạng thổi phồng, phiến diện, quy chụp từ hiện tượng, sau đó thêm thắt bằng những câu từ, chi tiết, hình ảnh có dụng ý tiêu cực khiến dư luận bị “bẻ lái” sang hướng khác, rất nguy hại. Thậm chí, dựa vào vụ việc cụ thể, có thật, từ đó suy diễn theo lối “sâu một con, cả rổ rau phải đổ”, từ hiện tượng tiêu cực của một người, một việc mà bôi lem uy tín cả một tập thể, một đơn vị, thậm chí kích bác luôn cả lực lượng.
Xu hướng này không chỉ làm sai nhiễu sự thật mà một số trường hợp còn gây tổn hại tới uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là tới quan hệ quốc tế. “Một số nhận xét quốc tế về báo cáo nhân quyền ở nước ta không chính xác là do dựa vào tin tức trên báo chí trong nước, nhất là những bạo hành của Công an” – Ông Lê Văn Nghiêm– Cục TT đối ngoại nói.
Tội phạm và các hành vi phạm luật là mặt tiêu cực của con người mà lực lượng Công an là công cụ chuyên chính của Đảng và Nhà nước, được giao phó những nhiệm vụ đặc thù, trong đó có việc phát hiện, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì tính chất công việc nhạy cảm, lại hay đụng chạm dẫn đến định kiến trong suy nghĩ nhiều người, nhất là những người từng bị phạt rồi từ đó nảy sinh định kiến tiêu cực về Công an – những người đã phát giác, điều tra, xử lý họ.Việc báo chí bịa đặt, gán ghép những sự việc không liên quan hoặc liên quan ở góc độ khác để gián tiếp đánh Công an, không chỉ đơn thuần là hạ uy tín của ngành Công an mà còn gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia.
“Một nửa chiếc bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nhắc lại điều này để thấy lương tâm, trách nhiệm của người viết báo quan trọng đến nhường nào. Báo chí với vai trò phản biện xã hội và giữ gìn bộ mặt của quốc gia. Vậy thử hỏi liệu một số tờ báo có làm đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình? Phải chăng những người tổ chức, thực hiện các tờ báo này không cần luật, không cần biết đạo đức nghề nghiệp. Rốt cuộc họ có còn đúng với tên gọi báo chí cách mạng Việt Nam hay chỉ là “ổ dịch” độc hại thậm chí là “nhóm lợi ích”?
Khoản 4, Điều 10, Luật Báo chí quy định: “Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân”. Nếu vi phạm, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Tuy nhiên, việc thực thi những quy định trên của Luật Báo chí và Nghị định hướng dẫn vẫn còn khoảng cách lớn. Việc cải chính thông tin sai sự thật thường là điều bất đắc dĩ mà cơ quan báo chí phải làm, còn nếu đăng cải chính thì cũng không đảm bảo kịp thời và không tương xứng với thông tin cần cải chính.

Bạch Dương