VH- Sự tồn tại tự phát của hàng trăm gallery lớn, nhỏ đã và đang trở thành tác nhân nuôi sống một thị trường tranh giả, không chỉ mang lại sự bất bình trong giới nghệ sĩ tạo hình mà còn khiến số đông công chúng vô cùng bức xúc.

Trước thực tế này, nhiều nhà quản lý nhận định, đã đến lúc cần có một cuộc tổng kiểm kê, rà soát lại toàn bộ hệ thống gallery hiện nay để phân định chuẩn xác đâu là những địa chỉ chuyên nghiệp, đâu là chộp giật.

Ngoài tầm kiểm soát

Theo nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền, đỉnh cao phát triển của những loại hình gallery ở VN rơi vào khoảng những năm 1995-2005, chủ yếu phân thành nhiều mô hình khác nhau với hai dạng cơ bản là gallery thương mại và gallery nghệ thuật.

Chính những gallery này, ở nhiều góc độ, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hình ảnh của mỹ thuật VN trong và ngoài nước. Thời gian đầu hình thành và phát triển sau khi mở cửa, nhiều gallery nghệ thuật đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nền mỹ thuật VN hiện đại, điển hình là Mai Gallery, Tràng An, Salon Natasha, Lam Sơn, Nam Sơn...

Các địa chỉ này không chỉ kinh doanh mà còn góp phần hỗ trợ phát triển nghệ thuật. “Ít nhiều, họ đã góp phần tạo dựng nên hình ảnh mới của mỹ thuật VN thời mở cửa, phát hiện ra các hoạ sĩ trẻ, tạo cú hích quan trọng trong việc phát triển nở rộ của các gallery khác.

Những gallery này thường xuyên tham gia tổ chức triển lãm từ cá nhân cho đến nhóm mà không phụ thuộc vào các triển lãm định kỳ của Nhà nước hay Hội Mỹ thuật”, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền nhận định.

Và cũng ít nhiều, triển lãm ở các gallery này đã tạo nên những tiếng vang nhất định. Nghệ thuật được công chúng biết đến rộng rãi hơn, các hoạ sĩ trẻ giai đoạn đầu mở cửa chỉ sau một thời gian ngắn đã trở nên nổi tiếng với những phong cách cá nhân khác nhau. Người ta có thể nhận ra một không khí hồ hởi của nghệ thuật VN buổi đầu sau đổi mới với những khám phá mới, phong cách mới.

Thế nhưng, những địa chỉ gallery uy tín giờ không còn nhiều. Cảm nhận về hệ thống gallery đang tồn tại ở VN là một bức tranh trắng đen nhập nhằng, vàng thau lẫn lộn. Thay vì giới thiệu, cổ suý những gương mặt tiêu biểu của nền mỹ thuật VN một cách chuyên nghiệp thì sự vận hành của không ít gallery đang hoàn toàn nghiệp dư, phần nhiều bị lấn át bởi đồng tiền.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) nhận định, sự tồn tại nghiệp dư, tự phát của hệ thống này đã và đang khiến công tác quản lý tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại những trung tâm nghệ thuật lớn rơi vào cảnh... ngoài tầm kiểm soát. Nguy hiểm hơn, chính sự tồn tại tự phát của hàng trăm gallery lớn, nhỏ đã trở thành tác nhân nuôi sống một thị trường tranh giả, khiến giới nghệ sĩ tạo hình và công chúng vô cùng bức xúc.

Minh chứng cho cung cách hoạt động chộp giật của nhiều gallery hiện nay chính là vụ việc xâm phạm bản quyền giữa Gallery Viet Fine Arts (28 Tràng Tiền, HN) và hoạ sĩ cao niên Văn Thơ mà Báo Văn Hoá đã thông tin trong thời gian gần đây. Họa sĩ Lê Thiết Cương, cái tên khá được ưa chuộng trên thị trường mỹ thuật VN đương đại cũng cho hay, bản thân anh đã nhiều lần bức xúc khi tận mắt phải chứng kiến tranh của mình bị sao chép nguệch ngoạc và cẩu thả.

Cũng theo hoạ sĩ này, vấn nạn xâm phạm bản quyền tác giả tại hệ thống các gallery thuần tuý thương mại có thể nói đã lên đến đỉnh điểm nhưng đến nay dường như vẫn chưa có một gallery nào bị xử phạt thật nặng. Thậm chí, xâm phạm bản quyền trắng trợn như Gallery Viet Fine Arts cũng chỉ bị xử phạt mức... 2 triệu đồng, sao có thể đủ sức răn đe ?

Vào guồng

Thế nên, trong khi giới nghệ sĩ tạo hình bức xúc và lên án chuyện tác phẩm của mình bị sao chép vô tội vạ thì ở khắp mọi nơi vẫn thấy nhan nhản cảnh tượng các gallery bày tranh ra trước cửa, trên vỉa hè để sao chép. Đáng nói là những gallery này đều nằm trên những con phố lớn của Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Hàng Trống, Tràng Tiền...

Họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định, sự xem nhẹ uy tín của hệ thống gallery đã khiến không ít nhà sưu tập quốc tế không còn hào hứng khi tìm đến thị trường mỹ thuật đương đại VN để mua tranh như trước.

Nhà phê bình Trang Thanh Hiền cũng cho hay, sau năm 2000, khi nghệ thuật VN đã có những nét phác đầu tiên trên bản đồ nghệ thuật thế giới thì cũng bắt đầu có sự chuyển biến khá rõ nét trong sự phát triển của các gallery.

Giá tranh VN nếu trước năm 2000 lên như diều gặp gió thì lúc này lại tụt dốc nhanh chóng, thậm chí tranh VN còn bị tẩy chay. Nhiều gương mặt điển hình của nghệ thuật VN thời đổi mới đã trở thành họa sĩ thị trường và theo sau họ là đội ngũ những người chuyên làm tranh nhái.
Khi gallery “góp phần”... làm mất uy tín mỹ thuật Việt Nam Gallery_group3
Điều này làm cho nghệ thuật cũng như các gallery ở VN sau giai đoạn thịnh đạt trở nên mất uy tín trầm trọng. Hệ quả là phần lớn những gallery nghệ thuật phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động hiệu quả cho mỹ thuật VN hiện đại. Kiểu kinh doanh chộp giật trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế cũng khiến không ít gallery thương mại phải đóng cửa.

Nhiều hoạ sĩ, nhà quản lý kiến nghị, đã đến lúc không thể để hệ thống gallery tiếp tục hoạt động thiếu chuyên nghiệp, cần phải đưa toàn bộ hệ thống này vào guồng, dưới sự giám sát của Luật. Dự thảo Nghị định về hoạt động mỹ thuật do Bộ VHTTDL soạn thảo cũng dành điều 14 chương III cho nội dung điều chỉnh hoạt động của các gallery (cửa hàng mỹ thuật).

Theo đó, quy định rõ: “Cửa hàng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Chủ cửa hàng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại cửa hàng và các hoạt động ở địa điểm khác do cửa hàng đứng tên tổ chức...”.

Phương Anh