Đi bộ học vẽ tranh

Để gặt hái được những thành công trong hội họa như ngày hôm nay, chàng họa sĩ trẻ đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Không được theo học lớp vẽ chính quy nào, anh đến với hội họa bằng con đường tự tìm tòi, học hỏi. Đam mê hội họa từ nhỏ nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên Nguyễn Duy Hiền đành gác lại ước mơ theo nghệ thuật để bước vào cuộc sống mưu sinh đầy khó nhọc.
Con đường tranh hướng về Festival Huế 2010  Imgashx
Họa sĩ Nguyễn Duy Hiền đang thể hiện tác phẩm.

Tuổi thanh niên anh từng bôn ba xuôi ngược khắp chốn, từng “lưu lạc” trong những bãi đãi vàng, bãi trầm, mỏ đá đỏ. Những năm tháng đó, anh phải sống trong cảnh “đèn dầu leo lét”, nước độc rừng thiêng, bữa no, bữa đói. Nhưng khó khăn và đói khổ không thể dập tắt ngọn lửa đam mê hội họa trong anh. Anh vẽ mọi lúc mọi nơi, trên những tảng đá giữa rừng, trong hang đất hay trên cát. “Hội họa giúp tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Đó là niềm động viên, chỗ dựa vững chắc cho tôi trong những ngày cơ cực", anh Hiền tâm sự.

Năm 1991 chán cảnh phiêu lưu, anh trở về quê lấy vợ, sinh con. Tưởng rằng, hội họa sẽ bị quên lãng bởi ghánh nặng gia đình cùng nỗi lo cơm áo, gạo tiền thường nhật nhưng hai năm sau, máu nghệ thuật lại trỗi dậy. Anh lần dò khắp nơi để “tầm sư học đạo”. Hằng ngày, Hiền đứng bên ngoài lớp hội họa của ĐH Nghệ Thuật Huế “học lỏm” từng nét vẽ, cách phối màu, phối cảnh...

Biết được hoàn cảnh và cảm phục trước niềm đam mê của Hiền, các thầy đã nhận anh vào học dự thính. Hai năm theo học chương trình này với anh đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Hai vợ chồng chỉ có một chiếc xe đạp. Anh dành để vợ dùng đi làm còn mình ngày ngày đi bộ hơn 4 km để xuống trường học vẽ. Mới đầu, tranh vẽ ra chưa bán được, quá khó khăn vợ anh đã ngăn chồng vẽ bằng cách đổ nước trà vào tranh để anh hết vẽ. Thế nhưng bao khó khăn cũng không dập tắt niềm đam mê hội họa của Hiền. Anh vẫn cần mẫn vẽ tranh và tự học hỏi để dần hoàn thiện khả năng hội họa của mình. Giờ đây, vợ anh đã hiểu và tạo mọi điều kiện cho anh cầm cọ. Hiền tâm sự: “Làm cái gì phải có đam mê và kiên trì, nhất là nghệ thuật. Lúc mới cầm cọ, có lần vẽ bức tranh ông già câu cá, mọi thứ đều xong duy chỉ có cái cần câu tôi thấy chưa vừa ý thế là tôi phải vẽ lại cái cần câu gần cả nghìn lần mới được”.
Con đường tranh hướng về Festival Huế 2010  Hien
Một góc gallery tranh của Nguyễn Duy Hiền.

Phố tranh


Những trải nghiệm cuộc sống đã giúp Nguyễn Duy Hiền sáng tạo nên một dòng tranh vô cùng độc đáo. Tranh của anh mang phong cách rất riêng không thể trộn lẫn. Mạnh mẽ, táo bạo và phóng khoáng là cảm giác thường thấy khi xem tranh Duy Hiền. Anh thường nhớ về quá khứ và thể hiện chúng bằng nhiều bức tranh mang tên Hoài Niệm. Anh có vốn sống rất phong phú và anh đã vận dụng chúng vào hội họa rất thành công.

Để có 3.000 bức tranh cho con đường tranh Festival Huế 2010 sắp tới, Nguyễn Duy Hiền đành phải gác lại việc mở rộng gallery và dồn hết số vốn 600 triệu đồng tích góp gần 20 năm nay để đầu tư. Trong gallery của anh ở 75 đường Lê Ngô Cát bày la liệt tranh đủ kích cỡ nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài hội họa của anh. Hiện, Duy Hiền có hơn 20 quầy tranh với hơn 2.000 bức đang bày bán trên đường Huyền Trân Công Chúa. Xây dựng được các quầy tranh này anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục gia đình nơi đây.

Khi được hỏi tại sao lại có ý tưởng xây dựng phố tranh trên đường Lê Ngô Cát, Nguyễn Duy Hiền nói: “Tôi đã từng nghèo nên tôi hiểu những người không có nghề nghiệp. Tôi muốn xây dựng phố tranh trước hết là để cho Huế có thêm một không gian nghệ thuật phục vụ nhân dân và khách du lịch, sau nữa là để những gia đình sống trên con đường Lê Ngô Cát có việc làm có thu nhập. Nhưng trước mắt tôi phải dốc hết sức để làm cho con đường tranh thành công”.

Gallery 75 đường Lê Ngô Cát đêm đêm vẫn sáng đèn để hoàn thành những bức tranh kịp cho Festival Huế vào tháng 6 tới.
Theo Xuân Nha