Ngày 11/11/2011, một cuộc triển lãm khá giản dị giữa hai nghệ sĩ - một điêu khắc và một hội họa - chính thức diễn ra tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Một chớm già, một cũng không còn trẻ. Cái tên triển lãm cũng đơn giản, hình như lấy luôn cái ngày có nhiều con số khởi đầu: Một Một làm tiêu đề.

Đó là một loạt sơn mài “nóng bỏng” của họa sĩ Phạm Thăng Long (SN 1958) và loạt điêu khắc “lạnh lẽo” bằng sắt của nghệ sĩ Lương Văn Việt (SN 1977).


1. Tôi được nghe một triết lý thú vị về tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân như thế này: Phải hiểu là Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng tuy là bốn, nhưng nó là “tứ tính” trong một người. Bốn nhân vật ấy đại diện bốn tính cách trong một con người duy nhất - một con người vừa yêu sống, đang trên hành trình tìm chân lý, tìm đến “đạo cả” mà thôi.

Đi lấy kinh... nghệ thuật  Ghen_w_500%20%283%29
Ghen của Phạm Thăng Long
Đường Tăng đại diện cho cái phần đạo mạo, nghiêm túc, tử tế và ngây thơ, sợ hãi của con người. Tôn Ngộ Không là thể hiện cho cái phần nghịch ngợm phá phách rong chơi, sáng tạo, mưu chước xuất quỷ nhập thần của con người. Trư Bát Giới đại diện cho cái phần vui sống hồn nhiên, thích ăn ngon, gái gú. Còn Sa Tăng đại diện cho cái phần ẩn nhẫn, kiên trì và vui vẻ chịu đựng với cuộc sống...

Tôi thấy rất khoái cái nhận xét này. Tự xem lại, đúng là hình như trong bất cứ người nào (đàn ông) thì đều có bốn cái tính ấy cả.

Đi lấy kinh... nghệ thuật  PhamThangLong_w_500%20%282%29
Họa sĩ Phạm Thăng Long

2. Họa sĩ Phạm Thăng Long tốt nghiệp Khoa nội thất Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và trở thành họa sĩ tự do thuộc thế hệ Đổi mới. Chủ đề vẽ nhiều trên những tranh sơn dầu, sơn mài được ưa thích của ông là những ẩn dụ tình ái. Biểu hình ra bằng sen và những hình khỏa thân đủ kiểu vẽ rất nam tính trên hòa sắc đỏ - vàng trang trọng.

Vốn sinh ra trong một gia đình Hà Nội có truyền thống làm nghề thuốc. Vẻ giản dị và hồ hởi bên ngoài trùm lên sự lịch lãm sảng khoái. Tính người sảng khoái làm sao thì tranh làm vậy. Anh ham chơi, ham thể thao, ham rượu ngon và phụ nữ đẹp. Hình sen và hình khỏa thân cũng độc đáo, vẽ theo cảm xúc “bốc” lên chứ chẳng cần đúng hình. Cứ nhìn hình cô thiếu nữ đùi như đùi gà tây, cầm cọng sen to tổ bố đầy cả tay đi “đánh ghen” mà buồn cười, thấy cái hân thưởng ưu ái của họa sĩ với những phen khuất trắc của tư tình nam - nữ con người.
Đi lấy kinh... nghệ thuật  Khehep_w_500%20%282%29

Khe kẹp của Lương Văn Việt

Nhà điêu khắc trẻ Lương Văn Việt theo đuổi điêu khắc thép chuyên nghiệp nhiều năm nay, ngay sau khi anh ra trường và hiện anh đã có hẳn một xưởng điêu khắc sắt thép ở chân cầu Thăng Long. Điêu khắc của anh, cái thì duyên dáng mảnh mai, cái thì vừa đồ sộ và đơn giản, không quá phức tạp về ý tưởng làm người xem mệt mỏi. Chủ đề chính của anh cũng là những sự tương hợp - các cặp đôi có ý nghĩa phồn thực. Nhưng phồn thực của Việt là sự phồn thực - kết nối - giao hòa của “thép” nên khó nhận ra hơn. Trông Việt rất cao to, đàn ông khuyềnh khoàng đàn ông. Mà đúng là để “chơi với thép” thì từ rất nặng nhọc hay rất tỉ mỉ đều cần sức khỏe cả.

Lương Văn Việt

3. Lâu lắm rồi, có buổi tôi ngồi uống trà chén với nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý (hỗn danh Ý “điên”) ở cổng trường Mỹ thuật, thấy Việt “xù” (biệt hiệu của Lương Văn Việt) đi đến. Ông Ý buột miệng nói: Cái thằng “Sa Tăng hiện đại” này. Đúng là chân dung Việt “xù” rất giống nhân vật Sa Tăng trong Tây Du Ký. Nhớ chuyện trên, nên tôi muốn ví cái triển lãm Một Một của hai nghệ sĩ rất tương giao hô ứng chủ đề hâm mộ tình yêu này. Một người thì trên sắt lạnh, một người trên vàng son như một chuyến “đi lấy kinh” nghệ thuật. Nếu Việt giống Sa Tăng, thì hẳn lấy “tứ tính” mà đo thì người đàn anh Phạm Thăng Long của Việt có gì phảng phất với... ông Bát Giới! Ví vui như vậy thì ta lại băn khoăn tiếp: Vậy thì Đường Tam Tạng và Tôn Hành Giả còn đang lặn lội ở đâu? Chịu.

Vũ Lâm