Hôm nay (2/12), tại Trung tâm Nghệ thuật Viet Art sẽ khai mạc Triển lãm tranh Chân dung của họa sỹ Nguyễn Linh, người bắt nhịp với hội họa khá muộn mằn, nhưng có những bước đi đáng nể. TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết của Phan Cẩm Thượng về họa sỹ và triển lãm.

Họa sỹ Nguyễn Linh: Vẽ là tự thức  Nguyen-linh
Họa sĩ Nguyễn Linh. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh
1. Gần 20 năm xao nhãng hội họa, theo đuổi kinh doanh, rồi lại gần 10 năm nay quay lại với bút màu, một cách hối hả, Nguyễn Linh có lẽ là một tính cách đáng nói đến, bởi sự kiên trì, muốn làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Tuy nhiên con đường nghệ thuật không giống như bất cứ hoạt động nào, nó không có cái đích cuối cùng, không có đáp số và những giới hạn cụ thể, và do đó nó làm cho bất cứ nghệ sỹ nào cũng hoang mang khi theo đuổi nó cật lực.

Đào Vũ cho rằng: Kết quả không quan trọng, tình yêu mới là đáng kể. Đào Châu Hải cho rằng: Nguyễn Linh vẽ khỏe quá, đáng nhẽ yếu đi tý chút. Thật là khó, khi mọi lời phê bình luôn hàm hồ, mà cái nghệ sỹ cần luôn cụ thể. Tôi nghĩ rằng xét cho cùng nghệ thuật không phải là mục đích, nghệ thuật chỉ là phương tiện - phương tiện để đi gần hơn cái nhân văn của người. Ai nấy đều có suy nghĩ về con người theo cách của mình và biểu hiện nó theo cách của mình, trong những tương quan tương đối, nếu phải so sánh.

Những người tận tâm, hay lớn hơn tử vì đạo luôn đáng trân trọng, vì không có nhiều người như thế. 10 năm vẽ vừa qua của Nguyễn Linh cũng đã là tận tâm. Ông không phải băn khoăn về việc bán tranh, cũng vì có một hậu phương ổn định, mối băn khoăn duy nhất là vẽ sao cho mới và thể hiện được đúng lòng mình. Đôi khi hai điều này không trùng nhau. Chúng ta sống theo thói quen với nhiều tập tục của một xã hội nông nghiệp, đúng lòng mình thì đôi khi không mới, cái mới đòi hỏi phải phủ nhận, mà phủ nhận chính mình lại là điều khó nhất.

2. Cuộc triển lãm lần thứ 3 này của Nguyễn Linh là một bước tiến trong chặng đường sáng tác của ông. Đối với ông đây không phải là cuối cùng, hay kết thúc một cái gì đó. Nguyễn Linh còn nhiều tham vọng, mà những gì vẽ ra chưa thỏa mãn chút nào. Đợt sáng tác đầu tiên với triển lãm đầu tiên cho thấy Nguyễn Linh chưa có một nhãn quan cá nhân riêng biệt. Ông vẽ những đầm nước và hoa gần biến thành trừu tượng còn rơi rớt những thích thú giữa lối vẽ ấn tượng và trừu tượng. Cảm giác truyền tải vẫn chưa mạnh.
Họa sỹ Nguyễn Linh: Vẽ là tự thức  Tranh
Chân dung họa sỹ Hoàng Phượng Vĩ, 2011, sơn dầu

Đợt vẽ thứ hai với những hình thể nam hay nữ thuần những sắc nâu non và trắng sữa. Nguyễn Linh lao vào đợt vẽ này một cách say sưa và kéo dài nó theo nhiều kiểu. Ông ký họa hàng loạt các hình thể trần trụi, muốn tìm ở những cơ bắp, những bàn chân, bàn tay, cái lưng, tiếng nói của thân phận. Một hay hai hình thể to chiếm hết cả mặt tranh, nhằm bộc lộ cái cô độc, cái buồn, những điều không thể nói ở mỗi con người. Đây là loạt tranh mang nhiều tâm sự của họa sỹ. Phần nào trong các bức họa này Nguyễn Linh ảnh hưởng lối vẽ biểu hiện.

Cũng trong thời gian này, họa sỹ ký họa chân dung những người bạn quanh mình. Phần nhiều ông chụp ảnh họ, rồi vẽ lại bằng những nét đan đôi khi mạch lạc, đôi khi rối rắm. Những ký họa nghiên cứu này ông bày một số ở phòng cà phê của Trung tâm nghệ thuật Viet Art. Những ký họa và nghiên cứu đó còn thiếu sức nặng, thiếu những nhìn nhận riêng biệt cho từng chân dung, nhưng nhất quán với một lối vẽ nét phức hợp. Từ các ký họa đó, họa sỹ chuyển thành chân dung với chất liệu sơn dầu. Tất nhiên phải kể đến những chân dung vẽ theo lối hình thể to trước kia, chúng mang nhiều tính phô trương, nói quá lên theo kiểu Pop art Việt Nam và Trung Hoa hiện tại.

3. Những bức chân dung sơn dầu lần này cho thấy họa sỹ không còn phụ thuộc vào người mẫu như những ký họa. Một mặt ông cố gắng tìm tòi những tính cách chính của người ông vẽ và khắc họa nó theo vài kiểu khác nhau, mặt khác ông vẽ như một bức tranh thuần túy, không nhất thiết phải là một tranh chân dung. Có thể nói Nguyễn Linh khá điệu nghệ trong các tranh sơn dầu vẽ nhiều nét như một bức đồ họa. Đôi khi họa sỹ cảm thấy lơ mơ không kiểm soát các nét vẽ nữa, những bức vẽ này cũng có được thần thái tự do nhất định. Và vì thế ông cũng gần những người ông vẽ hơn.

Mặt mạnh và mặt yếu luôn thể hiện qua cả quá trình và từng bức họa. Giả thử họa sỹ vụng về hơn một chút, bớt căng thẳng hơn một chút, bớt đam mê đi một chút, đứng xa bức họa hơn một chút và đừng cố gắng kiểm soát nó, có thể ông đã đi gần đến cái mà ông mong muốn. Nghệ thuật không bao giờ là một cuộc đua tranh, ai làm thì người đó biết, nghệ thuật là sự tự thức, và tất nhiên vẽ chính là sự tự thức. Ta biết mình và biết thế giới xung quanh mình qua các bức họa và thế là đủ.

Phan Cẩm Thượng