(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin về việc nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đào Hoa Nữ cùng các tay máy nổi tiếng khác mở Trung tâm đào tạo Nhiếp ảnh Sáng tạo tại TP.HCM. Sắp tới, NSNA Đào Hoa Nữ còn mở chi nhánh dạy chụp ảnh của mình tại thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, gần như nhiếp ảnh đã quá quen thuộc với mọi người. Chỉ cần một cái máy chụp ảnh rẻ tiền hay một cái điện thoại di động có chức năng chụp ảnh thì bất kỳ ai cũng có thể làm “nhiếp ảnh gia”. Vậy NSNA Đào Hoa Nữ và các đồng nghiệp mở trung tâm đào tạo chụp ảnh để làm gì? TT&VH có cuộc trò chuyện với NSNA Đào Hoa Nữ.

Hình đẹp nằm “trong đầu”

* Với máy ảnh kỹ thuật số phổ biến như hiện nay, lại rất dễ sử dụng, lý do gì bà cùng các đồng nghiệp mở trung tâm dạy nhiếp ảnh?

- Có thể nói, cuộc cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng đã giúp mọi người đến với thú vui chơi ảnh thật dễ dàng. Người nhiều tiền thì sắm cho mình loại máy chụp ảnh hàng chục ngàn đô la, người ít tiền thì mua máy chỉ một vài triệu đồng. Bây giờ mọi lúc, mọi nơi, mọi người, mọi giới… đều có thể chụp ảnh. Nhưng chụp làm sao để có một bức ảnh đẹp thì không phải ai cũng biết cách. Trung tâm của chúng tôi ra đời vì muốn giúp tất cả mọi người đều biết cách chụp ảnh như thế nào cho đẹp. Ngoài dạy chụp ảnh, chúng tôi còn muốn nơi đây sẽ là sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ trong lĩnh vực này.

* Chơi nhiếp ảnh khá tốn kém, đến với trung tâm Nhiếp ảnh Sáng tạo của bà hẳn phải là “con nhà giàu”?

- Như tôi vừa nói, tùy theo điều kiện mà mỗi người trang bị cho mình máy chụp ảnh khác nhau. Nhưng không phải người có máy ảnh nhiều tiền thì sẽ chụp được ảnh đẹp hơn người dùng máy ảnh rẻ tiền. Ảnh đẹp hay xấu phụ thuộc vào “cái đầu” của người chụp. Máy ảnh suy cho cùng chỉ là công cụ mà thôi. Theo tôi, nhiếp ảnh vô cùng bình đẳng với mọi người. Trung tâm dạy chụp ảnh tức là khuyến khích tư duy sáng tạo nằm “trong đầu” học viên chứ không phải khuyến khích họ mua máy ảnh xịn.

Không phải ai cũng biết chụp ảnh đẹp  Dao-hoa-nu

NSNA Đào Hoa Nữ (bìa trái) hướng dẫn học viên trong một buổi chụp ảnh ngoài trời

Từ tháng 8/2011 đến nay, chúng tôi đã mở được 4 khóa học. Học viên của trung tâm có nhiều người đã từng học nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khi đến với phương cách dạy chụp hình của trung tâm, tôi khẳng định rằng họ không hề biết gì về nhiếp ảnh hết. Đâu phải cứ chụp rõ mặt người là nhiếp ảnh!

Sau 5 tháng hoạt động, chúng tôi thấy nhu cầu học chụp ảnh trong giới trẻ khá lớn. Trung tâm đang liên với Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội để mở chi nhánh tại 19 Hàng Buồm. Giảng viên của trung tâm ở Hà Nội sẽ gồm những NSNA nổi tiếng của thủ đô.

Không giấu nghề…

* Giới nhiếp ảnh vẫn truyền tai nhau về những NSNA nổi tiếng hay “giấu nghề”, bà và các đồng nghiệp của mình dạy tại trung tâm có phải “giấu bí quyết”?

- Chuyện hay giấu nghề vẫn xảy ra trong giới nhiếp ảnh. Tuy nhiên, với tôi và các đồng nghiệp giảng dạy tại trung tâm này thì không hề. Chúng tôi đứng lớp đầu tiên là vì uy tín của mình, thêm nữa là vì muốn nhiều người đến với nhiếp ảnh như một cuộc chơi nghiêm túc, cụ Nguyễn Du từng nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Các đồng nghiệp của tôi giảng dạy bằng chính tác phẩm của họ chứ không phải lý thuyết suông. Từng học viên sẽ được chúng tôi dạy kiểu “cầm tay chỉ việc”, tức là nặng phần thực hành hơn. Phải công nhận là các bạn trẻ bây giờ thông minh, sáng tạo hơn thời chúng tôi nhiều. Chỉ với 24 tiết học trong 11 buổi mà họ đã có thể chụp được những tác phẩm khiến tôi phải ngạc nhiên, thán phục.

* Được biết Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM cũng có Khoa Nhiếp ảnh, tại sao trường này lại để bà mở trung tâm “cạnh tranh” với họ?

- Phải nói là ban giám hiệu mà cụ thể là Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM rất ủng hộ chúng tôi mở trung tâm này. Khoa Nhiếp ảnh của nhà trường gần như không thể hoạt động được, vì năm vừa rồi chỉ tuyển được có một sinh viên thì… dạy ai bây giờ? Có lẽ, để đạt “thành tựu” khi học nhiếp ảnh tại trường phải mất đến 3 năm, nhưng chưa chắc khi ra trường đã làm được việc, nên nhiều bạn trẻ ngại.

Ai cũng biết nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật, nhưng muốn đạt đến tầm nghệ thuật thì không thể “tự phát” hay “tự giác” mà phải học. Tuy nhiên, học mất thời gian quá nên nhiều người không muốn. Trung tâm chúng tôi cơ bản giải quyết được “mâu thuẫn” này, học ít nhưng hiệu quả cao.

* Đào Hoa Nữ là tay máy chuyên nghiệp, bây giờ chuyển sang làm “sư phạm” lẽ nào bà bỏ chụp hình?

- Hoàn toàn không. Chân tôi là chân đi, không đi sao chịu nổi (cười). Trung tâm không chỉ dạy chụp ảnh trong phòng hay quẩn quanh TP.HCM. Chúng tôi thường xuyên tổ chức đi xa để học viên “thực tế chiến trường”, mới đây là ở An Giang chụp hình đua bò Bảy Núi và Phan Thiết chụp đồi cát.

Nói dạy chụp ảnh nhưng bản thân tôi cũng học được từ các bạn trẻ nhiều điều. Óc sáng tạo của những học viên trẻ, sự đam mê của các bạn lan truyền sang tôi nhiều lắm. Mỗi khóa học, chúng tôi phân công nhau đứng lớp. Tôi dạy tiết đầu tiên và tiết cuối cùng của mỗi khóa học nên vẫn tự do chụp ảnh cho riêng mình. Xin bật mí, tôi đang xuất bản cuốn sách ảnh Huế - Di sản văn hóa thế giới, gồm các ảnh chụp về phong cảnh, con người ở Huế quê tôi.

* Xin cảm ơn và chúc bà thành công trong vai trò mới!

Thanh Kiều (thực hiện)