Giá trị cao nhất của một tác phẩm nghệ thuật đích thực là sự duy nhất, không lặp lại, nhất là đối với mỹ thuật, nằm trong giới hạn tuyệt đối của khái niệm này. Nhưng không phải bao giờ giá trị ấy cũng lên ngôi. Điều này thực sự gây hoang mang với công chúng thưởng lãm có nghề, bởi nhìn vào mỹ thuật ở ta, một điều không vừa mắt vẫn đang diễn ra thường nhật, đó là cuộc tranh tài gay cấn, sôi nổi của “vàng mã”.

Từ những năm đầu của thập niên 90, trào lưu chép tranh bắt đầu manh nha và phát triển trong làng mỹ thuật Việt, bắt đầu từ những bản chép tranh sơn dầu. Tranh chép của họa sĩ Việt dần trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người nước ngoài. Lẽ đương nhiên, giới buôn tranh đổ xô vào thị trường béo bở này. Chính sự nở rộ của tranh chép đã tạo điều kiện để các gallery mọc lên như nấm sau mưa.

Mỹ thuật - Vàng mã tranh tài ImageViewaspx

Tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng bị sao chép vô tội vạ.
“Vàng mã” được ưa chuộng

Có thể nói, phần đông khách hàng của tranh chép quan tâm đến mục đích sử dụng nhiều hơn là giá trị bản nguyên.

Thay vì tự hào chỉ khi có được “độc bản”, nhiều người Việt dù biết rõ mặt hàng mình đang có là tranh chép “dây chuyền” vẫn xem việc có được những bức tranh chép na ná là một phát hiện và thú chơi hay ho. Phần đông trong số đó không biết rằng có thể họ đang sở hữu những bức tranh “công nghệ”, bị biến chất cả về hình thức lẫn phẩm cách - một thứ đồ hàng mã. Điều đương nhiên là với cách nhìn của khá đông những người Việt coi nặng giá trị trang trí hơn giá trị thưởng lãm, những bức tranh chép được thay đổi sao cho tươi sáng và rõ rệt là lựa chọn hàng đầu. Cuộc tranh đua của “vàng mã” cũng từ đây mà được tăng tốc. Gió chiều nào xoay chiều ấy, bức tranh chép nào nắm bắt được xu hướng thời thượng đương nhiên sẽ ăn khách. Chúng đồng xuất hiện trong những căn nhà mà chủ nhân có thể chưa bao giờ có cơ hội ngắm nhìn thật kỹ những bức tranh gốc trứ danh.

“Ta là một, là riêng, là thứ nhất”?

Nhiều năm gần đây, không ít những họa sĩ tên tuổi của nước ta đã phải “kêu cứu” cho tác phẩm của mình và “lên bờ xuống ruộng” vì những bức tranh chép mang trường phái “nhiếp ảnh” nghiệp dư.

Thực trạng đó là lời giải thích chính đáng nhất cho việc “tranh rác” chất đống tại nhiều gallery và vô hồn ở nhiều phòng khách sang trọng. Bài học về cách trân trọng sáng tạo của người nghệ sĩ hóa ra vẫn là một bài học khó.

Trên thực tế, lỗi không thuộc về khái niệm tranh chép, bởi nhu cầu thưởng thức và ngưỡng vọng cái đẹp đích thực là điểm xuất phát tích cực của trào lưu này. Nó chỉ thực sự bị bóp méo khi bị sử dụng vào mục đích thu lợi thuần tuý. Nền tảng kiến thức và thẩm mỹ về mỹ thuật hoàn thiện sẽ giúp tranh chép trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, có lẽ điều này vẫn là mơ ước xa vời của mỹ thuật nước ta.

Vụ việc chép tranh ồn ào được họa sĩ Văn Thơ lên tiếng đầu năm nay tưởng đã làm nên chuyện cho thực trạng khó nói của làng mỹ thuật Việt, hoá ra lại rơi vào im lặng. Những động thái yếu ớt chưa làm thoả mãn giới mỹ thuật Việt tha thiết với nghề. Hoạ sĩ Đào Hải Phong từng nói: “Tài sản của người họa sĩ phải là tranh”, việc tranh chép “lộng hành” trên thị trường hiện nay phải chăng là sự vi phạm trắng trợn tài sản sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ? Chính trong băn khoăn này đã hàm chứa câu trả lời. Không một họa sĩ nào không mong muốn tác phẩm của mình “là một, là riêng, là thứ nhất” cả.

Mộc Anh