TT - Căng thẳng, đối đầu giữa những quan điểm trái ngược tiếp tục là hình ảnh của cuộc thảo luận về biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC ngày 27-6 (ngày 28-6 giờ VN).


Trung Quốc đang bành trướng 574346-jpg_014515Các học giả trong buổi thảo luận về những diễn biến mới ở biển Đông tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tuấn
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, khẳng định biển Đông đang là “một trong những thách thức chiến lược lớn nhất của Mỹ” giữa bối cảnh châu Á đang có vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới. Đến từ Trung Quốc, ông Wu Shicun, chủ tịch Viện nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc, tiếp tục khẳng định trong những căng thẳng ở biển Đông, “trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc”. Khẳng định này đã gây những tiếng cười phá lên từ các thành viên tham dự hội nghị. Đại diện Trung Quốc tiếp tục chỉ trích việc các nước “mở rộng, quốc tế hóa vấn đề” và việc Mỹ chuyển hướng chiến lược sang châu Á làm “ảnh hưởng xấu tới tình hình biển Đông”.
Cũng giống như cách đây một năm, phát biểu “đổ tội” của đại biểu Trung Quốc đã bị các học giả tham dự hội nghị chỉ trích dữ dội. Chuyên gia Henry S. Bensurto, cựu tổng thư ký Ủy ban về biển và đại dương của Philippines, cho rằng rõ ràng qua vụ xung đột tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc không hề có thiện chí. “Philippines muốn làm bạn với Trung Quốc nhưng để có thể thành bạn, chúng ta cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Cần nhìn thẳng vào sự thật dù sự thật có đau đớn đến đâu”- ông nhấn mạnh. Nói về việc Philippines bị lực lượng quân sự Trung Quốc đe dọa, ông Bensurto nêu rõ “khi bị cưỡng bức thì chúng tôi phải lên tiếng”. Theo ông, chính sách hung hăng của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới mọi căng thẳng trên biển Đông.
Đề cập ý kiến của học giả Trung Quốc chỉ trích việc các nước trên biển Đông tăng cường vũ trang, đại diện Philippines chỉ ra một thực tế: chi phí quốc phòng của Bắc Kinh đã liên tục tăng gấp nhiều lần trong hơn 15 năm qua. Cùng với gia tăng chi phí quốc phòng, Trung Quốc cũng tăng cường lấn chiếm, gây hấn trên vùng biển với Philippines. Ông dẫn chứng: Trung Quốc ngày càng lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Khoảng cách các vụ việc này ngày càng rút ngắn dần, từ 180 hải lý năm 1995 xuống 130 hải lý năm 1998, rồi 85 hải lý năm 2007 và chỉ còn 30-60 hải lý năm 2010. Ông Bensurto nói về lệnh cấm đánh cá, nếu trước đây chỉ được áp dụng với Việt Nam thì từ năm 2011 đã được Bắc Kinh áp dụng cả đối với Philippines. “Biển Đông sẽ thế nào trong vài năm tới nếu Trung Quốc tiếp tục xu hướng bành trướng này? - ông Bensurto đặt câu hỏi - Giờ là biển Đông. Liệu sau này Trung Quốc có ý định mở rộng “lãnh thổ” ra toàn bộ đất nước Philippines hay không?”.
Dựa trên những thực tế này, ông cho rằng biển Đông chỉ có thể giải quyết “trên cơ sở tôn trọng pháp luật”, và đó không phải là luật của một nước mà là luật chung được cộng đồng quốc tế công nhận. “Một quốc gia không viện luật của mình để đi bắt nạt nước khác” - ông Bensurto khẳng định.
Tại hội nghị, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Kurt Campbell cho biết biển Đông sẽ là một đề tài quan trọng trong chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Campuchia tháng tới để dự Hội nghị ASEAN. Ông Campbell cho biết phía Mỹ trông đợi có thêm thông tin về dự thảo Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong cuộc họp ở Phnom Penh.
THANH TUẤN (từ Washington DC)
-------------------------------------------------------------------
Trung Quốc muốn độc chiếm tài nguyên biển Đông

Đó là khẳng định của chuyên gia Ian Storey, biên tập viên tờ Contemporary South East Asia (Đông Nam Á đương đại), Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
* Ông đánh giá thế nào về những diễn biến gần đây ở biển Đông, đặc biệt là việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc mời thầu ngay trên khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
- Đây là diễn biến nghiêm trọng ở biển Đông khi nó chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi nghĩ động thái này sẽ làm tăng căng thẳng giữa Trung Quốc - Việt Nam và tăng thêm lo ngại giữa các nước Đông Nam Á về ý đồ của Trung Quốc. Nó là minh chứng cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn các đảo trong phần “đường lưỡi bò” mà còn muốn toàn bộ tài nguyên trong phần “đường lưỡi bò” này.
* Chúng ta đều biết Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cho “đường lưỡi bò” này?
- Tôi nghĩ phần lớn đều đồng ý rằng Trung Quốc khó mà chứng minh được cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” của họ dựa trên cơ sở luật quốc tế. Nó không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
T.T. thực hiện
Nguồn VNN