Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã kết tinh thành đạo lý của người Việt Nam tự bao đời. Lịch sử dân tộc cũng đã chứng minh rằng, dù trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với biết bao biến cố thăng trầm, nhưng sự tôn vinh vai trò của người thầy trong xã hội chưa khi nào mất đi. Ngày xưa, từ thầy dạy học cho các Thế tử con Vua đến các cụ đồ làng thanh bạch, nghiêm khắc và các thầy, cô giáo ngày nay đều có sự giống nhau: Đó là luôn luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng.
Biết bao bài ca, bao nhiêu áng văn thơ, bao nhiêu lời hay ý đẹp được dành để ca tặng thầy cô giáo, bởi lẽ hình tượng người thầy được ví như cha, như mẹ. Xã hội đã từng đúc kết: "Con hơn cha là nhà có phúc", mặc dù rất nhiều trò giỏi hơn thầy khi trưởng thành, nhưng chưa có ai dám đúc kết: "Trò hơn thầy" bao giờ. Điều đó nói lên sự tôn trọng của xã hội đối với người thầy, cô giáo là tuyệt đối.
Kế thừa và phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của ông cha ta, ngày nay Đảng, Nhà nước và nhân dân đang làm hết sức mình để chăm lo phát triển đội ngũ thầy cô giáo, bởi thầy cô giáo luôn được xác định là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa - giáo dục, là người ươm những mầm tài năng tương lai cho đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi, nhất thiết phải phát triển mạnh giáo dục đào tạo, phát huy nguồn lực con người. Không ai khác, những người thầy cô giáo là yếu tố chủ đạo, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục, sự nghiệp đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Giáo dục đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân cũng không nằm ngoài quy luật đó. Để lực lượng Công an nhân dân có một đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông pháp luật, giỏi về nghiệp vụ thì phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; và chính những thầy, cô giáo trong các Trường Công an nhân dân là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của ngành.
Xác định được vấn đề đó, Bộ Công an đã sớm đề ra nhiều chủ trương nhằm phát triển giáo dục, đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân. Gần đây nhất, ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Phê duyệt Đề án thổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020; ngày 13/9/2011, Bộ Công an đã có Chương trình phát triển giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015. Tất cả các chủ trương nói trên đều xác định rõ việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên các Trường Công an nhân dân là yêu cầu bức thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn mang tính chiến lược cơ bản lâu dài.
Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông mặc dù mới thành lập, nhưng đã được giao trọng trách quan trọng: Xây dựng Trường thành cơ sở đào tạo có đủ điều kiện và khả năng tổ chức đào tạo các chuyên ngành nghiệp vụ Cảnh sát trình độ Trung cấp cho Công an các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và chuyên ngành Cảnh sát giao thông đường thủy cho Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu.
Mặc dù mới chính thức hoạt động chỉ hơn 2 tháng qua, biết bao khó khăn, thách thức, nhưng các thầy, cô giáo đã nỗ lực khắc phục để vượt qua và bước đầu gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, ấn tượng. Đảng ủy, Ban Giám hiệu ghi nhận ở các thầy cô giáo Trường ta lòng nhiệt huyết, tâm huyết và trách nhiệm cao trọng công việc, đến nay đã ổn định và các hoạt động đã vận hành đồng bộ. Thành quả ban đầu đó xác định sự đóng góp quan trọng, có ý nghĩa quyết định của các thầy cô giáo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cũng là người đã từng nhiều năm đứng trên bục giảng, hiện đang chịu trách nhiệm cao nhất về công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường, tôi xin nhắn gửi đến các thầy, cô giáo nhà trường ta một vài tâm sự.
Người Việt Nam luôn kính trọng và tôn vinh nghề dạy học và người dạy học, là người nhận được sự tôn vinh đó, các thầy cô giáo liệu đã khi nào tự hỏi mình đã làm gì xứng đáng để được nhận sự tôn vinh, kính trọng đó chưa? Tôi mong các thầy cô giáo phải luôn tự hỏi lòng mình, để lúc nào các thầy cô giáo cũng xác định rõ tâm thế khi bước vào nghề; phải luôn phát huy vị thế và trách nhiệm của người thầy, phải thể hiện được năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, sống có kỷ luật, kỷ cương; phải luôn sáng tạo trong công việc, say mê trong nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học; nêu cao tinh thần tự học, tích lũy kiến thức, từng bước hoàn thiện chức danh để xây dựng vị thế người thầy; chú trọng việc tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học và những tiêu chí đó trở thành một yêu cầu tất yếu của thầy, cô giáo Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông. Mong các thầy, cô giáo nhanh chóng tiếp thu những kinh nghiệm, phương pháp dạy học tiên tiến, phương pháp dạy học đó phải phù hợp với đối tượng dạy của nhà trường và yêu cầu thực tiễn chiến đấu của Công an các đơn vị, địa phương mà Trường đào tạo; quá trình dạy học phải luôn lấy người học làm trung tâm, dạy những vấn đề thiết thực mà ngành Công an cần, xã hội cần, người học cần.
Mong các thầy, cô giáo luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, nhân cách của người thầy, cô giáo, luôn thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, vững vàng trước những tác động tiêu cực của thị trường. Dù đâu đó còn nhiều khó khăn, vất vả; dù có những lúc bị sai, bị đối xử chưa công bằng; dù có những lúc buồn lòng vì chế độ, chính sách chưa tương xứng với công sức, nhưng bao giờ vị trí, vai trò của người thầy vẫn luôn được khẳng định, vẫn luôn được tôn vinh và kính trọng, mong các thầy cô vững lòng về niềm tin đó. Biết rằng cuộc sống không chỉ cần mỗi hoa hồng mà còn cần cả bánh mỳ, nhiều thầy, cô giáo đang đứng trước nhiều thách thức, lo toan về điều kiện vật chất cuộc sống, nhưng những ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu thì tất yếu sẽ dẫn đến sa ngã và nếu biến giáo dục thành môi trường để mua bán thì lại càng nguy hiểm. Người xưa có câu: Làm thầy thuốc tồi thì hại một bệnh nhân, làm thầy phong thủy tồi thì hại một dòng họ, còn làm thầy giáo tồi thì hại không biết bao nhiêu thế hệ, đời người. Mong các thầy, cô giáo giữ cái tâm trong sáng với nghề, với học sinh. Nếu mắt ta sáng, lòng ta trong thì dù sự nghiệp trồng người có vất vả, gian khổ thế nào, tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ đi đến đích.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị luôn bên cạnh các thầy, cô giáo trong quá trình các thầy, cô giáo thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những lúc khó khăn; nhà trường luôn quan tâm và tạo những điều kiện thuận lợi để các thầy, cô giáo phát huy, cống hiến hết khả năng của mình cho sự nghiệp đào tạo của Trường, của Ngành. Mong mỗi thầy, cô giáo vừa là nhà sư phạm mẫu mực, nhà khoa học có uy tín, vừa là nhà hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, xứng đáng với vai trò là người thầy kính yêu trong Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông của chúng ta.
Cao Đăng Nuôi - Đại tá, Thạc sỹ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp CSGT