Trong thời đại ngày nay, cho dù đã có nhiều thay đổi lớn trong việc trưng bày, quảng bá tác phẩm nghệ thuật nhờ các phương tiện hay công nghệ mới trên những trang mạng cá nhân, những website giới thiệu, quảng cáo,v.v., cùng với việc bán hàng trực tuyến giúp người xem, khách hàng có thể dễ dàng truy cập để xem xét, lựa chọn những thứ thích hợp nhất - nhưng vẫn có một thực tế là người xem, người mua - những nhà sưu tập tiềm năng - vẫn thường dựa vào ý kiến của những người phụ trách gallery hoặc các viện bảo tàng (bên cạnh việc tham khảo các đánh giá của các giám thủ hay các nhà phê bình), cũng giống như việc mua sắm hàng hóa vẫn trông cậy vào những thương hiệu hay cửa hàng có uy tín.
Hệ thống Gallery có thật sự cần thiết nữa hay không? Gallery_group3
Điều này không chỉ xảy ra đối với thế giới nghệ thuật, mà với bất kỳ lĩnh vực nào khác cũng thế. Tất nhiên, người mua hay nhà sưu tập càng có trình độ thì khả năng tự quyết của họ càng cao, sự lệ thuộc càng nhỏ. Và các nghệ sĩ, những người càng thành công thì càng giành quyền chủ động đưa ra những lựa chọn “sân chơi” hay “chợ tranh” phù hợp: sự kiện nghệ thuật nào mới bõ công, địa điểm trưng bày nào mới xứng đáng, nơi bán tác phẩm nào mới vẻ vang… cũng như phương sách gia nhập vào cái thị trường nghệ thuật hứa hẹn nhiều béo bở mà không hiếm gian truân trong cuộc mưu sinh và sáng tạo.

Tháng 9 năm 2008, Damien Hirst, một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nghệ thuật đương đại Anh, bất ngờ “bỏ rơi” các gallery và... trực tiếp bán đấu giá tác phẩm của mình thông qua nhà đấu giá Sotheby’s. Điều này cùng với các sự kiện không cần đến gallery khác trong mười lăm năm qua đã tạo ra một niềm tin rằng: có rất nhiều lựa chọn khác nhau để trình làng tác phẩm – những không gian phá cách hay không gian thay thế - và rằng ngay chính hệ thống gallery giờ đây cũng đã trục trặc, đã bị phá sản, hay đơn giản là nó đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ như nó đáng lẽ phải làm (mà chỉ đáp ứng lòng tham, sự trục lợi của các ông chủ gallery, phớt lờ quyền lợi của nghệ sĩ và công chúng, người mua), vì thế, giờ đây rất nhiều nghệ sĩ chọn lựa phương án “tung hê hệ thống gallery đi”. Họ tự làm lấy.
Hệ thống Gallery có thật sự cần thiết nữa hay không? TriasGallery-1
Tuy nhiên, họ sẽ làm thế nào đây? Trưng bày tác phẩm trong các quán bar và quán cà phê chăng, hay đặt chúng ở những khu vực nhiều người qua lại như ở tiền sảnh hay hành lang của các nhà hát, rạp chiếu bóng, hay bày biện trong các khu chờ của khách sạn, trong những khung cửa nhà hàng, tại các cửa hàng bán đồ cao cấp, ở các tiệm tạp hóa, ký gửi, tại các trung tâm nghệ thuật, nhà văn hóa địa phương, hoặc trên các trang mạng cá nhân hay mạng mua sắm trực tuyến, chẳng hạn như Etsy.com…? Tất cả những nơi đó đều được coi là những giải pháp thay thế cho việc trưng bày trong gallery. Song liệu những biện pháp này có thực sự là tùy chọn tuyệt vời để nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm cho công chúng bình thường, người xem và bạn bè, ngõ hầu giúp nghệ sĩ phần nào gây dựng một sự nghiệp thành công, đạt được sự công nhận của xã hội hay ghi tên mình vào lịch sử nghệ thuật?

Thật ra, đối với các nghệ sĩ trẻ hoặc đang nổi (thậm chí các nghệ sĩ đã có tiếng cũng nên coi chừng), những không gian lựa chọn thay thế này không chắc đã là một khu đệm đáng tin cậy trước khi (hay sau khi) lọt vào hệ thống gallery [có vẻ chuyên nghiệp hơn, sang trọng hơn], bởi vì khi các nghệ sĩ càng mất nhiều thời gian với những không gian thay thế như vậy, biết đâu danh tiếng của họ ngày càng kém nổi lên hơn hoặc trở nên mờ nhạt hơn. Hơn nữa, nếu nghệ sĩ có kế hoạch trưng bày tác phẩm trong các quán bar hay các ô cửa sáng choang ở các siêu thị hay nhà hàng trong vòng 20 năm ... thì quả thật đó là một ý định phiêu lưu mạo hiểm vĩ đại.

Cũng cần đặt lại câu hỏi: liệu gallery làm được điều gì cho nghệ sĩ? Gallery không đơn thuần chỉ đóng vai trò làm địa điểm gặp gỡ giữa người xem với tác giả và tác phẩm. Trước tiên, một phòng tranh có thể bán tác phẩm với một mức giá cao hơn và tạo cơ hội để tác phẩm được công bố trong những ấn phẩm quan trọng (sách, catalogue). Gallery cũng có những liên kết mật thiết với các bảo tàng, những nhà sưu tập lớn và các giám thủ. Và điều quan trọng nhất là gallery chuyên nghiệp có thể làm “bệ phóng” gây dựng danh tiếng cho nghệ sĩ.

Cho tới nay, những không gian thay thế - như đã đề cập ở trên - có lẽ vẫn chưa thể đem lại những lợi ích cho nghệ sĩ giống như các gallery được, trừ phi bạn là người đã khét tiếng cỡ Damien Hirst – người thực ra cũng đã xây dựng xong danh tiếng của mình thông qua hệ thống gallery rồi.
Hệ thống Gallery có thật sự cần thiết nữa hay không? 151c4a0e17d4fea62c8b4a83684c5933-gallery
Song làm việc với các gallery cũng có những phiền toái, đôi khi thực sự khó chịu và khó chấp nhận đối với những nghệ sĩ có lòng tự tôn cao, phóng khoáng và yêu thích tự do. Nhiều gallery buộc các nghệ sĩ phải ký những hợp đồng cam kết “chung thân” hoặc dài hạn cung cấp tác phẩm cho họ, nhất là với các nghệ sĩ trẻ có tài mới bước chân vào nghề. Những gallery “xịn” [vị trí đẹp, làm marketing tốt] cũng thường gò ép nghệ sĩ vẽ theo “đường lối thương trường” của mình. Chưa kể có những gallery bất lương thuê người vẽ “nhái” hay “xào nấu”nhiều lần tranh tượng của các nghệ sĩ trưng bày tác phẩm tại gallery của họ. Tỷ lệ chiết khấu lợi nhuận trong các thương vụ mua bán tác phẩm cũng là điều thường làm phiền lòng các nghệ sĩ, nhất là khi gặp phải những ông/bà chủ phòng tranh chỉ âm mưu trục lợi trên mồ hôi công sức của các nghệ sĩ. Có thể đấy cũng là một trong những lý do khiến hệ thống gallery suy yếu, tự đánh mất cả giá trị lẫn niềm tin của cả người xem lẫn nghệ sĩ.

Nhiều người cho rằng đã là nghệ sĩ thực thụ thì cũng nên bớt lo lắng tới việc bày tranh ở đâu, bán tranh ra sao, mà gắng đưa được tác phẩm của mình tới công chúng, từ những người sang trọng nhất cho tới những người bình dân nhất, cho nên can cớ gì cứ phải bày tranh tượng trong các gallery với một lượng khách thăm chọn lọc. Những không gian kiểu quán bar, nhà hàng cũng là nơi bày tác phẩm cho mọi người thưởng ngoạn, hay chí ít là được “nhìn thấy” chúng chứ, dù họ có thích hay không, có mua hay không.

Vấn đề đặt ra là: các nghệ sĩ có nên “tung hê” hệ thống phòng tranh chuyên nghiệp chăng? Và khi nào thì nên chia tay các gallery [bất tín]? Với câu hỏi này, mỗi nghệ sĩ đều có thể tự đưa ra câu trả lời thích hợp nhất, cũng như làm thế nào, ở đâu, với ai để xây dựng danh tiếng cho mình. Mỗi nghệ sĩ đều có thể tự tìm ra con đường đi riêng, thậm chí rất độc đáo, kể cả phải trả giá cho biện pháp thử và [loại] lỗi (trial and error). Vả lại, sự thành công là không có “quy tắc” hay “công thức”, nó luôn luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khách quan lẫn chủ quan, và nhiều nghệ sĩ lão luyện đã có khả năng kiểm soát được thành công cá nhân nhờ sự từng trải và có “những bài học nhớ đời”.

Mà với nghệ sĩ, có nên phân tâm quá nhiều tới những việc bán chác hay không, hay cứ chuyên tâm sáng tác đi, mọi việc tốt đẹp sẽ tới? Mấu chốt của thành công phải chăng chính là: chất lượng và sức hấp dẫn của tác phẩm, cùng với tính chính trực và thái độ chuyên nghiệp của người nghệ sĩ?

PHẠM LONG