VH- Kết quả khảo sát từ một số tổ chức nghiên cứu về kiến trúc đô thị cho thấy, càng ngày nghệ thuật càng có xu hướng rời xa các căn phòng để đến với những không gian công cộng. Điêu khắc, tranh tường, đài phun nước... đã và đang trở thành một phần không tách rời trong không gian đô thị.
Mỹ thuật trong các công trình công cộng: Vào Luật, chủ đầu tư sẽ hết thờ ơ? Ky-1-Hoi-thao-Bao-ton-pho-co-Ha-No-Dung-nghe-c_Tin180.com_001
Tuy nhiên, vẫn là tình trạng chỗ thừa, nơi thiếu, mỹ thuật đang là đối tượng bị bỏ quên trong nhiều công trình công cộng trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thực tế này hi vọng sẽ được cải thiện khi Nghị định về hoạt động mỹ thuật ra đời trong thời gian tới.

Không có “đất” dành cho mỹ thuật

Sau một thời gian hào hứng với sự xuất hiện của Graffiti (tranh tường), dư luận lại... kêu trời vì sự “ô nhiễm” thẩm mỹ trong không gian công cộng mà một phần nguyên nhân xuất phát từ loại hình này. Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ứng xử và quản lý cảnh quan ở những không gian công cộng đó? Không chỉ là những mảng tranh tường theo đúng nghĩa, nhằng nhịt trên khắp những đường hầm, cầu vượt, cầu chui..., người dân đang phải dần làm quen với sự xuất hiện của những sắc màu chằng chịt, hình ảnh ma quái.
Mỹ thuật trong các công trình công cộng: Vào Luật, chủ đầu tư sẽ hết thờ ơ? Nhahat2
Nếu như ngay từ đầu, trong mỗi công trình công cộng như nhà ga, bến xe buýt, bệnh viện, trường học, đầu hồi các khu chung cư... đều được tính toán, bố trí một phần cho yếu tố mỹ thuật thì chắc chắn sẽ có nhiều không gian vừa hợp lý, vừa đẹp mắt. (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành)

Trong khi đó, ở không ít không gian, công trình công cộng khác như nhà chờ xe buýt, nhà ga, bệnh viện, trường học..., phần dành cho sự xuất hiện của các công trình, tác phẩm mỹ thuật lại hầu như bỏ trống. Sự ngột ngạt của những không gian này càng trở nên bức bí hơn khi thiếu vắng những tác phẩm, công trình có tác dụng mang đến cảm giác thư thái cho con người.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đa phần các công trình công cộng ở VN hiện nay chỉ chủ yếu tính đến các yếu tố công năng sử dụng mà bỏ qua yếu tố không kém phần quan trọng là tiêu chí thẩm mỹ.

Các tác phẩm mỹ thuật không chỉ có tác dụng “làm đẹp” cho mỗi công trình mà còn góp phần thể hiện sự văn minh, đẳng cấp của một không gian công cộng.

Theo một tạp chí chuyên ngành kiến trúc, thành công của một không gian công cộng không chỉ là tính năng sử dụng mà còn là hiệu quả cảm xúc mang lại cho con người. Không gian đó phải đẹp, tạo được những xúc cảm lành mạnh và tất nhiên, cái đẹp không đối lập với tính chất công năng sử dụng.

Ấy vậy nhưng, lướt nhanh qua nhiều công trình công cộng đã và đang được xây dựng ở ta, hầu như không có “đất” dành cho mỹ thuật. Hiếm hoi mới thấy có một vài bức tượng nhỏ nhoi xuất hiện khá khiêm tốn giữa một không gian xanh rộng đến thênh thang; hay sự xuất hiện của một vài bức tranh lạc lõng không ăn nhập với tính năng của công trình công cộng...

Vào Luật, sẽ có nhiều không gian công cộng đẹp?

Lý giải sự khuyết vắng của các tác phẩm mỹ thuật trong các không gian, công trình công cộng thời gian qua, hoạ sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ VHTTDL, Phó Ban soạn thảo Nghị định về hoạt động mỹ thuật) cho biết, lâu nay các chủ đầu tư thường không “quen” dành một phần diện tích cũng như kinh phí cho việc “làm đẹp” các công trình, bởi họ cho đó là phần không cần thiết. Hệ quả là sau khi công trình hoàn thiện, ở nhiều nơi lại có “đất” để xuất hiện những “tác phẩm” chả giống ai.

Vì thế, lần này nội dung “Mỹ thuật trong các công trình công cộng” sẽ “chiếm” hẳn một điều trong Nghị định về hoạt động mỹ thuật. Điều 5 dự thảo Nghị định này nêu rõ: “Khi xây dựng công trình công cộng, chủ đầu tư phải có thiết kế và bố trí tác phẩm mỹ thuật trong công trình. Kinh phí thực hiện phần mỹ thuật nằm trong tổng dự toán của công trình”.

Để “ra” được những quy định này, Ban soạn thảo Nghị định đã phải cân nhắc bàn thảo không ít. “Dự thảo Nghị định ban đầu đã định lượng rõ ràng là mỗi công trình dành 5% cho phần thiết kế mỹ thuật, tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng không nên cụ thể quá vì mỗi công trình công cộng đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, Nghị định chỉ dừng lại ở quy định chung chung, trước hết là nhằm thay đổi nhận thức của chủ đầu tư các công trình...”- ông Vi Kiến Thành cho hay.

Tuy nhiên, theo nhiều hoạ sĩ, kiến trúc sư, nội dung này được đưa vào Luật bên cạnh ý nghĩa tích cực là tác động vào nhận thức của các chủ đầu tư cũng không hẳn sẽ thay đổi được hoàn toàn diện mạo của các công trình, không gian công cộng trong một thời gian ngắn.

Phương Hà