Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, hôm nay (21/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 (từ 1/10/2015 đến 31/7/2016) do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay cho thấy, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên số đối tượng phản động lưu vong chống đối trong nước liên kết với nước ngoài tăng; vi phạm trong cấp phép, xuất bản, in ấn xảy ra nhiều hơn; Tình trạng bỏ lọt bí mật trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng; An ninh an toàn mạng tiếp tục bị  đe dọa; Tội phạm có tổ chức nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp …
Tình trạng bỏ lọt bí mật trên internet xảy ra nghiêm trọng 201609210937196391_ndn_4956
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tội phạm kinh tế và tham nhũng, báo cáo của Bộ Công an cho biết, đã phát hiện khởi tố điều tra 1.165 vụ ; 1.794 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý  kinh tế, ít hơn cả  số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2015. Qua điều tra, hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, giao thông cơ bản, chính sách xã hội…
Về tình hình vi phạm pháp luật, qua thống kê theo dõi cho thấy tình hình chưa giảm, diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực: an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; thuế, môi trường; xây dựng; bảo hiểm; an toàn thực phẩm; thuế; hải quan; xây dựng đất đai; xuất nhập khẩu; tài nguyên khoáng sản; …
Nguyên nhân được đánh giá là do công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ sở, thiếu sót; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao ý thức trách nhiệm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ; thậm chí tiêu cực  vi phạm pháp luật; trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực có nơi chưa được xem xét, xử lý nghiêm, kịp thời.
Theo báo cáo, sự xuống cấp đạo đức nhất là trong thanh thiếu niên đang báo động; số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều là nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm; trình độ năng lực một bộ phận cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong lĩnh vực phòng ngừa chống tội phạm công nghệ cao, yếu tố nước ngoài; hệ thống pháp luật liên quan còn bất cập…./.
(Theo Infonet)