Xã hội càng phát triển, các hình thức nghệ thuật đương đại càng thỏa sức bay bổng, sáng tạo. Việc các họa sĩ đương đại mang các yếu tố, nhân vật dân gian vào tranh tạo sự thu hút và những liên tưởng sâu sắc, thú vị. Đó là thành quả của phương pháp tư duy hội họa thông minh, hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở truyền thống, riêng biệt. Có lẽ đó là một trong những nét độc đáo và tạo bất ngờ cho người thưởng lãm tranh của những họa sĩ đương đại Việt Nam.

Yếu tố dân gian - Của để dành

Với nhiều người nước ngoài, giống như các hình thức nghệ thuật khác của tranh đương đại của nhiều họa sĩ nước ta chủ yếu mang tính chất trang trí, duy mỹ. Định kiến đó càng rõ rệt khi họ so sánh hội họa nước ta với nền hội họa mang nhiều dấu ấn cá nhân và nội dung tư tưởng của phương Tây.
Yếu tố dân gian - Vốn liếng quý giá của mỹ thuật đương đại Eaa75164294134981trungbay3

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thực tế, nhìn vào hội họa đương đại Việt Nam những năm gần đây, có thể nói nhờ nắm bắt được bí quyết sử dụng chất liệu dân gian, tranh của các họa sĩ đương đại Việt Nam đã chứng tỏ được những giá trị tư tưởng, văn hóa vững bền. Tranh đương đại mang trong mình những tiếng nói, thông điệp ý nghĩa, xuyên suốt. Bản sắc dân gian Việt Nam và tính đồ họa hiện đại quốc tế đã hòa quyện và cho ra những sản phẩm nghệ thuật đầy bất ngờ.

Nhờ có yếu tố dân gian, tranh đương đại đến gần hơn với người thưởng thức tranh Việt. Yếu tố dân gian trở thành “của để dành” của những họa sĩ Việt biết cách tiết chế, lồng ghép, pha trộn đầy bay bổng, sáng tạo. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được coi là người đi đầu “khánh thành” cây cầu bắc từ nghệ thuật Việt Nam nhiều tính dân gian sang nghệ thuật hiện đại thế giới. Quay về cảm thức dân gian, khai thác bản sắc dân tộc từ nghệ thuật cổ truyền và từ văn hoá làng là điều mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm dành một quỹ thời gian lớn trong hành trình sáng tác của ông để nghiên cứu miệt mài. Điều này cộng với tài năng và sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống đã đưa ông trở thành một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam.

Sức hút của tranh dân gian đương đại

Là người tiên phong trong việc sử dụng yếu tố dân gian trong sáng tác hội họa, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm khai thác nhiều mô típ nghệ thuật cổ, từ Đông Sơn cho đến chạm khắc đình làng thế kỷ 17... và chuyển hóa nó thành ngôn ngữ hiện đại. Người xem cảm nhận được tinh thần uy nghiêm, trầm mặc, thăng hoa của đời sống tâm linh, tín ngưỡng của tranh Nguyễn Tư Nghiêm qua các bức tiêu biểu như Múa cổ, Gióng, Tiên nữ... Tiếp nối tinh thần ấy nhưng gần gũi và bình dị hơn, họa sĩ Thành Chương khai thác chất liệu dân gian từ chính đời sống dân dã, từ văn hóa làng xã của Việt Nam.

Sử dụng màu sắc đồng dao, lễ hội, lao động sinh hoạt thôn quê kết hợp với phong cách cá nhân riêng biệt, mới mẻ, ngộ nghĩnh, giàu trí tưởng tượng, nhiều tính trang trí hiện đại, Thành Chương tạo được dấu ấn riêng với dòng tranh này, trong đó, tiêu biểu là những bức Tình bạn, Ngắm trăng, Chơi cùng trâu, Thời thơ ấu, Lễ trung thu, Múa nón...
Yếu tố dân gian - Vốn liếng quý giá của mỹ thuật đương đại HoHanQuoc

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Việc sử dụng yếu tố dân gian vào tranh đương đại cũng đã được nhiều quốc gia thử nghiệm, tạo dựng được cảm tình của khán giả thưởng lãm.

Mới đây nhất, họa sĩ Phạm Khắc Quang đã đưa những nhân vật dân gian nổi tiếng xuất hiện trong những câu chuyện mang đầy hơi thở đương đại tới triển lãm Kịch bản đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Chú Tễu” - nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian trong tranh Nguyễn Khắc Quang đã biến hóa thành một loạt những nhân vật thời thượng, hiện đại như nông dân, thương lái, doanh nhân. Những cung bậc cảm xúc trong các vai trò khác nhau của “chú Tễu” để lại nhiều ngẫm ngợi về nhân tình, thế thái. Một sáng tác sắp đặt khác mang tên Thở đã gói gọn sống động tinh thần và chân dung của người nông dân hôm nay. Người xem cảm nhận rõ ràng suy ngẫm của tác giả trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay thông qua các bức Ra đồng, Chợ quê, Chợ người...

Vốn liếng dân gian đã và sẽ giúp hội họa Việt Nam tạo được dấu ấn riêng nếu được sử dụng một cách tinh tế và có chiều sâu.

An Viên