Photorealism (những bức tranh thật như ảnh chụp) luôn hấp dẫn thị giác, gây kinh ngạc về khả năng quan sát, tỉ mỉ, trí tưởng tượng nhạy bén của họa sĩ. Sự cầu kỳ và nghệ thuật là điều đáng ngưỡng mộ trong sáng tác tranh photorealism. Trường phái này không mới ở nước ngoài nhưng lại gần như hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam.

Những kỳ tích ngỡ ngàng

Màu nước, sơn dầu và chì là những lựa chọn thông minh và thường thấy của những họa sĩ vẽ photorealism. Hiệu ứng kỳ lạ của những bức tranh này khiến nhiều người ngắm không chán mắt. Đẹp, chân thực và sống động là điều duy nhất người ta có thể thốt lên. Chiêm ngưỡng những bức photorealism, bạn sẽ thấy mình thật phiến diện khi áp đặt họa sĩ luôn là người ngẫu hứng và hoàn toàn sáng tác theo tưởng tượng. Thực ra ngoài khả năng quan sát, họa sĩ photorealism còn phải có khả năng nhạy cảm đặc biệt với hình khối. Điều này giải thích tại sao họ có thể vẽ thật đến từng chi tiết: từng sợi tóc, từng vệt đồi mồi trên da, từng sợi vải trên áo, từng sợi lông nhỏ, những nhành cây, bóng nắng, ánh mắt…

Hãy quan sát những bức tranh của Denis Peterson, cha đẻ của trường phái vẽ siêu hiện thực. Sự chân thật đến từng chi tiết của tranh Denis Peterson khiến nhiều người khó tin nó là tranh vẽ. Hình ảnh một người dân châu Phi nheo mắt dưới ánh sáng mặt trời, một khu phố tấp nập người qua lại, một góc thị trấn nhỏ với hoa dây leo và nắng nhạt, những poster phim ấn tượng, một em bé châu Phi với ánh nhìn thách thức và ám ảnh hiện lên trong tranh vẽ của Denis Peterson sống động một cách đầy kinh ngạc. Điều này sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi ông chia sẻ mình cần đến một tháng để hoàn thành bức tranh như vậy.Ngỡ ngàng với tranh như ảnh chụp Tranh-cua-Alyssa-Monks

Tranh của Alyssa Monks.
Một điều làm nên thành công của những bức tranh theo trường phái photorealism là họa sĩ đã thổi hồn vào bức tranh, làm những ai một lần ngắm nghía chúng đều khó quên được. Thậm chí, có những bức tranh photorealism vẽ bằng chì còn bị người ta nhầm tưởng là ảnh chụp đen trắng. Từ bọt nước, bóng người in trên kính, độ căng của da mặt, độ bóng của mái tóc đến những khoảnh khắc xuất thần của con người, những đường nứt vỡ, biểu cảm của gương mặt, sự nhàu nát hoặc những chi tiết hết sức nhỏ và mảnh, qua bàn tay tài hoa của họa sĩ photorealism đã thực sự khiến người ta tin chắc đó là ảnh chụp hoặc một điều kỳ diệu nào đó. Ngoài Denis Peterson, người ta nhắc đến Roberto Bernardi, Alyssa Monks hay Paul Lung như những họa sĩ vẽ photorealism trứ danh và tài ba.

Việt Nam chưa có photorealism?

Nguyên tắc chung của những họa sĩ vẽ photorealism là chụp ảnh để lấy mẫu, phóng lớn bức ảnh của đối tượng cần vẽ từ 1 - 2.000 lần để nắm bắt từng chi tiết nhỏ rồi mới bắt đầu vẽ. Một số người khác sử dụng phương pháp truyền thống của hội họa là thuê mẫu vẽ và yêu cầu họ hóa thân vào bối cảnh tranh. Họ cũng thừa nhận là mất rất nhiều công sức để hoàn thành một bức tranh photorealism, thậm chí vẽ đi vẽ lại đến khi giống ảnh thật mới thôi. Một số người còn cho rằng những họa sĩ photorealism không khác những thợ chép tranh là mấy, bởi họ chép tranh từ ảnh chụp. Họ bỏ qua một nguyên tắc tựu trung của hội họa và nhiếp ảnh là đều lấy cảm hứng từ hiện thực hoặc những tưởng tượng về cuộc sống. Chính vì vậy, việc tái hiện hình ảnh của một bức ảnh chụp trong tranh vẽ không thể đánh đồng với vấn nạn chép tranh. Nên chăng là chúng ta tự hỏi: tại sao chúng ta tự quảng bá là hội họa nước ta đã chính thức hướng sang chủ nghĩa hiện thực nhiếp ảnh mà không có lấy những bức tranh ấn tượng, chân thực, sống động đến từng khoảnh khắc và thật đến ngỡ ngàng?

Tương lai những bức tranh photorealism tuyệt vời của họa sĩ Việt Nam có lẽ vẫn đang ở phía trước.

Mộc Anh