HIV/AIDS đang là thực trạng nhức nhối của toàn cầu; tại Việt Nam, mỗi năm có hàng trăm người chết vì căn bệnh này. Dù đã xuất hiện từ lâu, được cảnh báo nhiều về mức độ nguy hiểm nhưng đến nay không phải người dân nào cũng hiểu đúng về HIV/AIDS và có hành động cụ thể để ngăn chặn sự lây lan của AIDS. Sự ra đời của Hội Phòng chống HIV/AIDS TP. Hồ Chí Minh nhằm mục đích xoá mờ những hạn chế trên.

Nhận thức quá yếu

“Nhiều thủy thủ khi được phát bao cao su chẳng biết làm gì ngoài việc lấy ra mang cho trẻ con chơi. Còn nếu vận động 50% cán bộ đi xét nghiệm tự nguyện HIV thì tôi dám chắc con số tham dự rất nhỏ”, ông Nguyễn Xuân Liệu, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn thủy sản Việt Nam lấy ví dụ này để minh chứng cho một thực tế: Nhận thức về HIV /AIDS của người dân còn rất hạn chế! Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ có 90% người dân thành thị, 70% dân số nông thôn hiểu biết đúng và biết cách dự phòng lây HIV/AIDS. Tuy nhiên, con số này gần như là... ảo tưởng nếu cách tuyên truyền, nhận thức về HIV/AIDS vẫn làm như hiện nay.

Theo ông Liệu, mặc dù đã truyền thông về HIV/AIDS, nhưng chỉ cần 30% người dân ven biển, hải đảo hiểu thì đã quý lắm rồi.

Tại TP.Hồ Chí Minh, nơi có tỷ lệ người có HIV/AIDS khá cao công tác này cũng chưa được chú trọng. Đa phần những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ đều sống trầm lặng, khép kín. Họ rất ít tham gia các hoạt động cộng đồng vì sợ bị kỳ thị, né tránh.

Truyền thông chưa đủ mạnh

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta chưa có phương pháp, cách tuyên truyền hiệu quả, cụ thể về HIV/AIDS. Cách tuyên truyền vẫn nặng tính hù dọa hơn là giải thích, chưa làm thay đổi hành vi cũng như động viên cộng đồng trong toàn xã hội tham gia tích cực vào việc phòng, chống HIV/AIDS.

Qua các kênh thông tin, truyền thông về HIV/AIDS thường đưa ra các tiểu phẩm, hình ảnh, pano, áp phích rùng rợn về căn bệnh thế kỷ. Những hình ảnh này tuy giúp người dân cảnh giác với HIV và nhận biết sự nguy hiểm của mại dâm, ma túy, nhưng vô hình chung tạo ra trong tiềm thức mọi người sự né tránh với tâm lý ghê sợ, làm tăng sự kỳ thị với người có bệnh. Điều đó làm suy yếu những cố gắng tốt đẹp của chương trình phòng chống HIV/AIDS nhằm làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.

Thực tế, những người có HIV còn khỏe mạnh vẫn có thể đóng góp nhiều cho cộng đồng. Thế nhưng truyền thông trong thời gian qua thường hay tập trung miêu tả phần đen tối nhất trong cuộc sống của người có HIV mà quên đi những điều họ đã làm và đóng góp cho xã hội. Điều này khiến cộng đồng ngộ nhận người nhiễm vi - rút là vô dụng. Truyền thông chưa hoặc quên mất hình ảnh những người có HIV có nhiều khả năng kéo dài sự sống, sống khỏe mạnh để làm việc và cống hiến cho xã hội.

Đã đến lúc, phải lập tức thay đổi cách thức truyền thông về AIDS. Các tranh ảnh, tiểu phẩm, ca khúc, phóng sự về HIV xuất hiện trên các kênh thông tin truyền thông của báo, đài cần đưa ra những mảng màu cuộc sống của người có HIV tươi sáng hơn. Vì vậy, truyền thông về HIV/AIDS không nên chỉ dừng lại, dựa vào các phương tiện thông tin đại chúng mà cần có sự giao tiếp giữa các cá nhân trong cộng đồng với nhau.

Điểm tựa cho những người có HIV/AIDS

Sự ra đời của Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.Hồ Chí Minh được coi như cánh tay nối dài của các dịch vụ phòng chống HIV hiện có. Theo đó, Hội có trách nhiệm theo dõi việc thực thi pháp luật và các chính sách liên quan đến HIV; là nơi đoàn kết hội viên, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan khác trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Hội có trách nhiệm định hướng các hội viên của mình thực hiện nghiêm túc những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp về các chính sách trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và hỗ trợ cho bệnh nhân AIDS.

Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với Uỷ ban phòng chống AIDS tham gia các hoạt động Phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân; các biện pháp can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao; hỗ trợ tham vấn cho người có HIV và gia đình; phối hợp tổ chức hỗ trợ, chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS và các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch HIV.

Ông Eamonn Munphy, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam nhận định: “Hội phòng chống HIV/AIDS TP.Hồ Chí Minh đã lãnh trách nhiệm tiên phong trong lĩnh vực nhạy cảm này. Tôi mong muốn chúng ta sẽ cùng nhau làm việc trên tinh thần đoàn kết để đem lại hiệu quả hữu ích. Tôi cũng hy vọng ngày càng có nhiều tổ chức như trên để củng cố và khẳng định sức mạnh của mạng lưới phòng chống HIV/AIDS”.