Nó tên là Sa ra, có nghĩa là Rượu theo tiếng Campuchia. Và “Nó” ở đây là con chó nhách mà chúng tôi lượm được trên vỉa hè thị xã Công pông Chơ năng chỗ gần bến cá. Mấy ngày đóng quân tại đây, cứ đúng lúc anh nuôi chia cơm thì nó băng qua cái vườn hoang sán đến. Lúc đầu còn loanh quanh, cụp đuôi vòng ngoài, thận trọng mắt trước mắt sau, liếm cái vỏ hộp thịt heo thằng Sên vứt ra. Mấy bữa quen, nó vào gần hơn, nhặt những cục cơm lính chúng tôi gảy xuống đất cho nó. Khi đơn vị tiếp tục hành quân, nó đã ton tón chạy theo trung đội như một… con chó con. Thậm chí tự tin nhảy phốc xuống tàu há mồm, cứ như lính tiểu đoàn đã nửa đời chiến chinh, chuyên nghề đổ bộ.

Về chuyện đặt tên cho nó cũng là cả một câu chuyện. Trung đội có 8 thằng, mỗi thằng gọi nó một kiểu. Thằng thì gọi tên nó là Lu, thằng thì gọi là Mơ, rồi Riềng, rồi Lan, Vân đủ cả.... Thằng Tuỳ thì nhất định gọi nó là Bim, mặc dù tai nó không đen và lông cũng không trắng như cái truyện chết tiệt nó đọc được ở đâu đó. Thành ra đến khi bê cái chậu chia cơm về, nó chạy loăng quăng chỗ nọ chỗ kia, không biết nghe thằng nào gọi. Cuối cùng ba Đức bảo Bim bủng cái khỉ khô gì? Gọi mẹ nó là Sa ra cho rồi! Chịu khó nuôi nấng chăm bẵm, lơn lớn chút. Mát trời thư thả, đổi “tức sa ra” về mà làm rựa mận.

Sa ra không khác các con chó mà chúng tôi thấy trên đất nước Campuchia này. Lông nó vàng xỉn, xác xơ tróc từng đám lớn. Nhưng sau một thời gian xài cơm lính, dẫu nhạt, đã bắt đầu trơn mượt. Điều đặc biệt là hai chân trước nó có huyền đề kép. Huyền đề theo tướng chó là cái móng chân thừa, dính lủng lẳng mé trên, phía trong đôi bàn chân trước. Cũng có nơi gọi nó là cái móng đeo. Chó mà có huyền đề, mà lại là huyền đề kép thì rất khôn. Chẳng biết có khôn thật hay không, nhưng có nó cũng thấy vui vui. Ngoài ra, lúc vô công rồi nghề, nó còn cải thiện thêm bằng cách rình chuột và vồ rắn mối để bổ sung chất đạm. Rắn mối thì rất nhiều, nhất là vào mùa khô. Trời càng nắng, giống này nó càng ra nhiều. Chạy loạt roạt trên mái lá thốt nốt hoặc các bờ dứa dại. Nhìn nó tiếp cận con mồi mới sướng! Bụng ép sát đất, bốn chân chúc khuỷu, nhích từng tí một. Tầm vừa rồi! Hấp một phát sau cú nhảy lẹ làng ! Con rắn mối trên cái lá dứa văng ra. Nó chẹn chân lên rồi cắn ngang đầu cái rụp. Thế là xong đời!

Một lần, nhìn nó nhai rau ráu đầu con rắn mối bự, ba Đức tụt võng, chạy tới cướp của nó mang nướng. Chẳng hiểu thằng này nghĩ thế nào hối hận, lại chia cho nó một ít. Cách thưởng thức văn minh dùng lửa này có vẻ ngon hơn chén đồ sống thì phải? Từ đó, hễ cứ vồ được con rắn mối nào, nó lại tha về vứt trước võng thằng ba Đức rồi ghếch chân trước mõm nằm chờ, như kiểu thông báo rằng đã hết phiên gác của ông rồi! Giờ đến lượt mày! Thằng này lại trở dậy lui cui nướng, rồi hai “anh em” nó chia nhau. Người góp của, kẻ góp công rất bình đẳng. Tôi không biết khi nó sống trong thị xã thì thuộc đẳng cấp nào, gia đình nào? Nhưng thực ra, cái chính phủ điên rồ mà chúng tôi vừa quật đổ và đang đánh đuổi thì làm gì có giai cấp? Vậy nên cách cư xử theo kiểu phân công cào bằng nó đang áp dụng với thằng ba Đức ngẫm ra không phải là không có lý! Hê hê! Chủ nào chó nấy mà! Và cũng rất hợp với câu châm ngôn đời lính nữa:” Chó có suất! Lính tráng có khẩu phần!” Chớ có ai đụng vào.

Người ta hay ví: len lét như rắn mùng năm, cúp đuôi như chó sợ pháo. Điều đó có thể đúng với các con chó nào đó. Nhưng với Sa ra thì khác hoàn toàn. Hơn hai tháng trời, sau những trận đánh ác liệt, suốt dải từ Kông pông Chơ Năng tới Ô đông, nó đã trở thành “chiến cẩu” chính hiệu. Đạn rát thì nó kiếm một chỗ mát sau gốc cây nằm yên. Một tai áp xuống mặt đất. Tai kia dựng đứng, dỏng lên giời, xoay hướng nọ, ngoắt hướng kia, dõi theo tiếng rít chiu chíu của đàn ong gang thép bay qua trên đầu. Mắt nhắm hững hờ như ngủ dở, như dửng dưng với những gì đang diễn ra xung quanh. Ấy thế mà thấy khẩu DK.75 tống đạn, xoay tầm, quay đuôi về hướng nó chuẩn bị phụt là nó giạt ngang né ngay. Nó đã nhiều lần chứng kiến cái chổi lửa này chớp sáng, quét sạch tất cả những gì phía sau trong vòng bán kính 6 mét. Ngoài ra, một lần nó bị hơi phản lực nóng rẫy thổi cho lộn phộc mấy vòng, dù đứng ở xa đằng sau. Rất dũng cảm, nó đứng dậy xù lông gừ lại. Thằng ba Đức phải hét bọn DK từ từ rồi bò quay lại, ôm con chó đang đứng run bần bật. Với Sa ra, khẩu DK.75 chỉ là một con chó lửa vô dụng dài ngoẵng, xấu xí vì không có lông, hay gây phiền nhiễu. Đã thế có mỗi ba chân, thua hẳn nó một chân nên trông thậm vô lý và buồn cười. Chỉ có điều là biết sủa to hơn nên nó hơi sợ mà thôi!

Cứ thế tiểu đoàn chúng tôi đi. Một nhúm người bé nhỏ, im lặng trôi trong cái đồng bằng tít tắp, như biển không thấy bờ. Buổi trưa mùa khô, rặng thốt nốt phum xa run rẩy, nhoè trong hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Người há mồm, chó thè lưỡi, vượt qua những khoảng đồng không mông quạnh. Mé chân trời đằng trước loang loáng như phản chiếu mặt hồ. Dấn lên đi mãi, nhưng không bao giờ tới được cái mặt nước xanh ảo ảnh ấy. Đoàn người vẫn tiến, nhưng mọi suy nghĩ, mọi giác quan gần như tê liệt trong không gian chói chang, hầm hập xứ người… Mãi rồi cũng tới cái phum cần đến trên bản đồ. Ở đâu ra mà lắm chó thế? Chó lớn chó bé quấn nhau, chạy quẩng theo đoàn xe bò. Đùa nhau cắn nhau ủng oẳng, lăn lông lốc trên đường đầy bụi. Tiếng con gái thanh thanh vọng lại. Tụi tôi bỏ cái khăn mặt cứng như mo nang, lót trùm trong mũ xuống, chỉnh lại trang phục. Ba Đức nhổ nước miếng ra lòng bàn tay, cố vuốt cái bờm tóc mất dạy, lúc nào cũng như cố dựng đứng lên, chạy lại chỗ các cô gái xin dừa. Thấy chúng tôi qua, chó trong phum ngồi sắp hàng đều tăm tắp dọc theo đường, gióng cổ sủa ông ổng. Bọn nó phát hiện ra con Sa ra lại càng lăn vào sủa dữ dội. Đúng là chó cậy gần nhà! Con Sa ra vẫn đều bước, khinh khỉnh ra vẻ không quan tâm, đuôi nó không hề cụp lại. Nhiều con chó cái trong đám đó có vẻ thán phục tay bợm này, tuy mõm vẫn sủa nhát gừng lấy lệ. Đọc được thái độ tôn vinh đó, hệt như một thằng ma cà bông vỉa hè chính hiệu, con Sa ra sán đến một con chó cái, hít hít rồi liếm cái… đuôi sau cô nàng. Đến nước này thì mấy thằng chó đực không chịu đựng được hơn nữa, lao vào đánh hội đồng. Một bước nhảy chéo nhẹ nhàng của nó thoát ra khỏi trùng vây. Tiếp theo là ba phát AK chỉ thiên của thằng Đức giải tán cái đám chơi bẩn. Ba Đức chỉ con Sa ra, chỉ con chó cái kia rồi nhe răng cười hềnh hệch với cô áo xanh. Chị chàng cũng bật cười đỏ cả mặt. Khoản tán gái này thì con Sa ra hơn đứt thằng ba Đức. Hê hê! Dẫu sao thì tất cả các loại chó trên thế giới này đều cùng nói một thứ tiếng.

Chúng tôi đóng tại bìa cái phum bàn đạp ven biển Hồ đó.

Chiều tà, bầu trời thanh thiên nhanh chóng sập xuống màu đỏ tía bồ quân, in hình những bóng cây thốt nốt tối thẫm và lặng im. Trên thinh không, đàn dơi quạ hàng ngàn con, giương đôi cánh rộng chấp chới bay vô hướng, và cũng im lặng như thế. Sao Hôm vòi vọi đằng tây, nháy mắt giữa những đâm mây đen. Những đám mây được viền cam do ngược sáng, đủ các hình thù cổ quái. Hoàng hôn đất nước Chùa Tháp bao giờ cũng có những gam màu tương phản thật lạ kỳ. Mùi khói rơm un muỗi trâu bò lan toả không gian.Tiếng phụ nữ tắm đùa nhau, tông giọng cao vút ré lên phía đầu giếng. Đó đây trong khu vườn rộng, những bếp lửa nhỏ của lính sáng bập bùng.

Phải đánh nhau thì thôi. Nhưng những buổi chiều tà thanh bình nơi phum xa thế này bao giờ cũng làm bọn lính chúng tôi nhớ nhà. Cơm chiều xong, con Sa ra đã biến đâu mất tăm tích. Chắc nó đã chuồn vào phum tán tỉnh con chó cái hồi nãy. Đúng là đồ chó dái du côn. Chúng tôi nằm võng lặng im, nghe thằng ba Đức thở dài thườn thượt. Có thể nó đang nghĩ đến em áo xanh, hoặc đang mong đổi phận thành con Sa ra thì phải? Thằng Sên đang khuỳnh chân đu đưa nhún võng, bỗng buông sõng một câu:
- Kiếm cái gì nhậu đi các cha!
- Kiếm cái gì? Ở đâu?
Tất cả gần như đồng thanh nhỏm dậy, hỏi cùng một lúc vì cái câu kia nó phang đúng chỗ ngứa.
- Thì đấy, sang khẩu DK, mượn cái ống đạn chúng nó vẫn trữ nước ấy. Giả vờ mượn đi lấy nước rồi đổ mẹ nó đi! Vào phum đổi gà với rượu. Mần xong gọi chúng nó sang nhậu. Mai sáng biết, trót ăn vào mồm rồi thì làm thịt được nhau à?
Nói là làm. Ba Đức quày quả sang DK ngay. Ở nhà chúng tôi đun nước chờ sẵn. Cả tiếng đồng hồ sau nó mới trở về. Một ống DK đổi hai con gà, bốn lít rượu trong hoàn cảnh này là quá hời. Gà không cắt tiết, bóp chết làm sạch cho luôn vào nồi cháo. Thằng Tuỳ sang gọi bọn DK. Mâm nhậu đêm nhanh chóng triển khai trong ánh nhập nhoạng bên đống lửa tàn. Đang dở mồm thì con Sa ra lặng lẽ trở về. Trông người nó có vẻ phờ phạc nhưng khoan khoái. Đã thế trên sườn nó có một vết đớp bết máu. Chắc là nó đã chiến nhau với tình địch. Ba Đức ôm nó vào lòng xót xa:”Chết cha mày chưa, đồ chó dái!”. Sên quăng cho nó miếng cánh, vừa nhồm nhoàm nhai vừa triết lý:” Chuyện vặt! Trước khi định đấu đuôi thì người ta phải đấu mõm đã!”. Thằng khẩu đội trưởng DK đã say liêng biêng, bật cười hô hố, lại tợp thêm ngụm rượu. Nó kéo con Sa ra lại gần, vành mồm con chó rồi bất ngờ phụt ngụm rượu trong mồm vào họng nó. Con chó vằng mạnh ra, tiện mõm đợp vào tay nó một phát, máu chảy ròng ròng. Thằng này có máu điên, phát khùng quài tay với khẩu AK. Ba Đức với tôi nhảy vô giữ tay, ghìm chặt khẩu súng:”Th..ô..i… m..à.. à..y! Ai đi chấp con chó làm gì..?”. Băng tay cho nó xong, cuộc nhậu lại tiếp tục như chưa có chuyện gì xảy ra. Con Sa ra vốn ghét sẵn khẩu DK. Nay ghét thêm thằng chỉ huy “con chó” ba chân phối thuộc ấy.

Sáng hôm sau, thấy mất đồ lấy nước, bọn DK lảu nhảu chửi nhau. Thằng Minh khẩu đội trưởng tỉnh rượu, sực nhớ là đêm qua trung đội tôi có mượn. Nó chạy sang đòi. Sên_ trung đội trưởng, làm ra vẻ mặt nghiêm trọng hỏi :” Đêm qua tới giờ chúng mày có đi cầu hay ói lần nào không?”. Thằng này ngơ ngác:”Có! Mà sao?”. “Sao với giăng cái gì? Ra đấy mà tìm! Ống của mày nó nằm ở đấy cả rồi!”. Nó hiểu ra, chửi vung xích chó. Vừa mất đồ, vừa què tay quả cũng hơi khó chịu. Mọi khi nó toàn nằm võng, chờ đàn em vác nước về hầu đánh răng rửa mặt. Giờ thì nó phải tự đi ra giếng. Lại càng tức hơn khi ở giếng, thấy Ba Đức tắm trần, quấn cái khăn cà ma ướt không biết ở đâu ra. Hắn đang hùng hục kéo nước đổ vào ống DK cho chị “áo xanh”, chủ nhân con chó cái hôm rồi. Anh chàng tiền mất tật mang, thuỗn mặt nhìn chị chàng cúi xuống cài nắp bịt ống đạn, trước là của mình. Lại còn uyển chuyển vươn người, âu yếm dội gàu nước còn già nửa lên lưng kẻ tình nguyện kia đang nhe răng sung sướng. Ngắm cảnh đó, thằng Tuỳ quay sang tôi lầu bầu, dù mồm vẫn sầu bọt, trắng xoá kem đánh răng :” Đ…má ! Thảo nào hồi hôm nó đi đến hơn cả tiếng lận! Chó nào chủ nấy….!”

Nói thế có phần oan cho thằng Đức. Vì chó là chó chung chứ không có ai là chủ cả. Nhưng Sara thân với thằng Đức nhất, cho dù ban đầu chỉ là tình thân con rắn mối. Từ khi có cùng một mối quan tâm chung ở cái nhà sàn góc phum kia thì “hai anh em” nó càng thân nhau hơn. Chập tối, cơm nước xong, sau một tiếng sáo huýt là lên đường. Thằng bốn chân đi trước, thằng hai chân đi sau. Đến lúc về thì theo chu trình ngược lại. Ba Đức bao giờ cũng về trước con Sara đến gần tiếng. Trước hiện tượng này, thằng Sên bình thản giải thích :” Bởi vì l…chó nó có hom! Chạy làng sớm thế đếch nào được! Vừa vừa thôi mày, ông Định biết thì tiêu giờ!”. Ba Đức vuốt vuốt cái bờm bất trị, nhe răng cười he he. Nó chìa ra cái ca đậu xanh với mấy cục đường thốt nốt cho thằng Tuỳ đi nấu chè. Ôi cái ca đậu xanh! Hẳn đây là bằng chứng của tình yêu quốc tế! Hay giản dị hơn: là công sức lao động khổ sai nặng nhọc, mà nó phải cuốc cày hùng hục mấy ca suốt tối đến giờ.

Giang hồ bạt thiệp, và có lợi thế là không phải học ngoại ngữ, Sara đã quen gần hết bọn chó trong phum, kể cả mấy thằng chó đực tợn nanh lúc đầu. Hẳn là vì bọn chó không có nhiều quan niệm phức tạp khác nhau về xã hội, về giai cấp hay chủ nghĩa này nọ… nên mau đồng cảm. Cộng đồng chó trong phum cũng không thèm đếm xỉa đến lý lịch xuất thân vốn du thủ du thực của con Sara, chấp nhận nó luôn. Chỉ cần đừng có đến chỗ khu tao quản lý ghếch chân đái bậy, đừng tranh ăn vào phần của tao... là sẽ thành bạn tốt ngay. Giờ thì Sara chỉ có mặt ở trung đội đúng hai bữa cơm và ban đêm. Thời gian còn lại, nó lê la bỡn cợt với đám chó trong kia. Có hôm đến bữa cũng chẳng buồn về. Mỗi khi về muộn, nó duỗi dài người, hai chân trước sát mặt đất, mõm và vai vươn chùng xuống…Tai nó cụp xuôi, mắt lim dim, trong khi đuôi khe khẽ phất như biết lỗi, trông rất nịnh bợ. Thằng Tuỳ ghét kiểu ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng của con này, buộc cổ nó bằng sợi dây võng cũ đến đêm mới thả. Với cái xích rởm như thế chỉ cần vài cú nhay là đứt. Nhưng để thể hiện tình cảm với cái thằng hay vuốt ve, bắt rận cho mình, không muốn làm mếch lòng nó nên Sara chịu chấp nhận sự cương toả hờ ấy.

Mới hơn chục hôm ở đây mà nó sọp hẳn đi. Thằng Đức cũng vậy. Chỉ còn thấy đôi mắt sâu lấp lánh với hàm răng cười trắng loá. Chị goá kia thì ngược lại, càng ngày càng mơn mởn và dạn dĩ. Tinh mơ đã thấy giọng cười khinh khích đùa nhau với đám lính ta ngoài giếng. Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó! Vắng chồng đã lâu. Giờ thì khát vọng tình tang đã được giải toả, kích thích tận cùng những gì thuộc về bản năng quyến rũ vô hình của giống cái. Nó nằm trong cái cổ tay tròn trịa vịn cà-om nước đội trên đầu kia? Trong bầu ngực căng nhức, rung nhẹ trong tiếng cười kia? Hay trong làn sóng lượn đầy nhục cảm của vòng eo hông mỗi khi cất bước? Không có cái gì cụ thể được hết! Nó gần như một sự lột xác diệu kỳ. Chỉ biết mỗi khi chị chàng đi lấy nước, cả đám lính chúng tôi đều ngẩn ra nhìn. Hình như bầu không khí xung quanh đều bị bỏ bùa mê hay đánh thuốc độc vậy.

Một buổi tối, như nhiều buổi tối khác. Ba Đức và chị “Thài lài” (bây giờ thì chúng ta gọi chị ấy là Thài lài) đang hổn hển quấn lấy nhau trên sàn. Bỗng dưới đường có tiếng con Sara sủa dữ dội. Ba Đức quấn vội cái khăn cà ma vạch khe liếp nhòm ra. Con Sara đang xông vào một cái bóng đen, trong khi con chó cái kia lại nhảy quẩng lên mừng. Lúng túng trước thái độ hiếu chiến của con chó lạ, cái bóng lay nhổ cây cọc rào, loay hoay đập nó. Nhưng đập toàn trượt vì Sara rất nhanh nhẹn, thoắt bên nọ, thoắt bên kia tiếp tục tấn công. Bị đợp hai nhát giữa cẳng chân, lại hoảng hồn vì chó trong phum thấy động, bắt đầu sủa rộ lên, bóng đen kéo lê cây cọc tháo lui như biến. Lác đác các nhà xung quanh bắt đầu đốt đuốc. Tranh tối tranh sáng, ba Đức lủi bụi, rút nhanh về trung đội. Lát sau, con Sara cũng bỏ chiến trường chạy theo.

Buổi sáng hôm sau, trong phum xuất hiện một nhân vật mới. Đó chính là chồng chị Thài lài. Anh này là hàng binh lính Pôn pôt, được ban địch vận Sư đoàn 7 cho về, có giấy chứng nhận công tác trình trưởng phum hẳn hoi. Một thằng cha to cao, khá điển trai và hiền lành. Anh ta biết nói kha khá tiếng Việt, chắc do ở với bộ đội ta đã lâu. Bọn chúng tôi ở đâu là cà nhắc lần đến, hồ hởi bắt chuyện. Thấy vết chó cắn sâu, thằng y tá đại đội cho mấy viên kháng sinh để cạo ra rắc. Hắn được nhiều cảm tình của anh em tôi. Nhưng ba Đức thì khó chịu ra mặt. Càng hậm hực hơn nữa khi chị Thài lài bây giờ coi nó như thằng chết rồi, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Ánh mắt trớt qua nó không dừng lại, giữa nhịp cười lanh lảnh trong buổi chiều hôm, khi chị vung gàu nước, dội toá vào đám lính đang tắm. Buổi tối, ba Đức hết chỗ đi, nằm võng thổi thuốc rê khét mù, nhớ thương cuộc tình thứ nhất. Con Sara khịt mũi, đi kiếm chỗ nằm khác. Thằng Tuỳ ngâm nga:” Trai tơ vớ phải nạ dòng, như nước mắm thối chấm lòng lợn th…i...iu. Bị bỏ bùa rồi con ạ! Đời mày còn khổ!”. Không chịu được nữa, nó lật võng chồm dậy, đá vào cái võng thằng Tuỳ một phát rồi bỏ xuống DK chơi.

Anh Nuôn (chồng chị Thài lài) cho chúng tôi con chó cái khi đơn vị sắp chuyển địa bàn tác chiến. Bảo rằng để cho con Sara có bạn đỡ buồn vì thấy chúng nó rất quyến nhau. Thằng Sên bật cười: “ Chỉ cho mỗi chó thôi à?”. Nuôn thật thà, vung nắm ngô, với cây ná định bắn thêm con gà. Sên bật cười lớn nhìn ba Đức đang quàu quạu, xua tay : “Thôi! Đủ rồi, đủ rồi!”.

Quả là một ngày hội! Nhiều chó để làm gì? Tiểu đoàn đâu có phải trại chăn nuôi? Chúng tôi bị lý lẽ đanh thép của thằng Minh DK thuyết phục. Mọi việc được tiến hành ngay lập tức. Ba Đức dắt con Sara sang DK buộc, để nó không nhìn thấy cuộc hành hình. Thằng Minh lấy khẩu B.40, lồng qua lòng súng đoạn dây võng. Rình lúc con chó cái đang cúi xuống nhặt cơm, nó khéo léo tròng dây qua cổ nó rồi rít chặt. Chỉ mới kịp oẳng một tiếng, nó đã bị khẩu B.40 gí chặt xuống đất. Năm phút sau, nó đã được treo ngược chân sau lên cành xoài thấp, mõm bị khớp, hai chân trước trói ngược lên lưng. Thằng Minh lục bồng, lấy ra con dao găm chuôi sừng, chiến lợi phẩm trong trận Rừng Sở hồi biên giới. Nó khoái trá ngắm nhìn con chó bị treo đang oằn oài trên cây, quăng điếu thuốc rê hút dở rồi tiến lại gần. Thằng Sên giúp nó giữ chặt con chó. Còn Phương, y tá ngồi xổm, háo hức chứng kiến bài học giải phẫu “cẩu trắc học”. Thằng Minh nhẹ nhàng đặt tay vào cổ con chó, cố gắng tìm nhịp đập giần giật của động mạch cảnh. Đây rồi! Nó mở một nhát ngọt bên trái, theo chiều dọc gần yết hầu. Con chó quằn mình, không kêu được, chỉ rít được những tiếng âm cao, ư ứ trong cổ họng. Nó lấy mũi dao sắc, rạch mở rộng thêm để tìm tia hồng. Tia xanh là tĩnh mạch, không làm tiết canh được. Phải cắt đúng tia hồng thật chính xác. Tia hồng đây rồi! Thằng Sên đã chuẩn bị hai cái ca inox, vứt vào nắm muối để hãm đông. Nó chìa cái ca chuẩn bị đón máu. Phựt một phát, sau cú lẩy mũi dao chuyên nghiệp, một tia máu đỏ tươi phụt thẳng vào trong ca, sầu bọt. Cái ca đầy lên nhanh chóng. Nó hất hàm ra hiệu lấy cái ca thứ hai, lấy tiết để chút bóp làm món rựa mận. Con chó rùng mình, xoải người trong cơn co giật cuối cùng. Thằng Minh chùi lưỡi dao dính máu vào lông chó, cầm ca tiết nóng húp soạt một ngụm lớn. Nó bảo uống tiết nóng thì mắt tinh, lấy phần tử bắn nhanh và không bị chóng mặt.

Máu chó không còn được hứng, chảy dọc theo mõm, nhỏ xuống đất những giọt cuối cùng. Cặp mắt khép hờ bỗng mở ra, lạc hồn trong veo, như đã cảm được có điều gì khác lạ rồi run run khép lại. Một vài giọt nước mắt xuôi theo, thấm trên nền đất. Chính chúng tôi cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Giật mình ngoái lại, thấy Sara đã đứng đằng sau từ lúc nào. Nó đã nhay sợi võng dù, thoát ra chạy về đây. Nó đã nghe thấy tiếng rít lìa đời tuyệt vọng của bạn nó. Tiếng rít của sự đau đớn, hay ai oán than van trước sự phản bội trắng trợn của con người. Chúng tôi không nghe được những tiếng kêu thương ấy. Nhưng Sara đã nghe thấy. Có thể chó nghe thấy những âm vực rất cao mà con người không nghe thấy được. Như một kẻ ăn trộm bị bắt quả tang, cả bọn lúng túng. Ba Đức mỉm cười giả dối, mồm méo xẹo khe khẽ gọi :”Sara! Sara…!”. Nó tiến lại gần chừng nào thì con chó lại lảng đi chừng đó, không thể thu hẹp được khoảng cách. Bất lực và chán chường, thằng Đức trở về võng ngồi phịch xuống. Con Sara lại tiến lại, vào gần hơn, trân trân nhìn cái thây chó đu đưa trên cây. Nó tru lên khe khẽ, chân trước cào cào mặt đất, mõm vẫn ư ử như khuyên lơn, như vĩnh biệt. Cả bọn im lặng. Một sự im lặng nặng nề, như bị tra tấn tinh thần. Thằng Minh DK bỗng phát khùng. Nó lượm mấy cục đất, ném túi bụi về phía con chó, mồm gào lên :” Cút! Cút mẹ mày đi…!”.

Bị một cục đất chọi trúng sườn, Sara sủa một tiếng ngắn rồi cúp đuôi dông thẳng.

Suốt hai hôm, Sara mất tăm tích. Thằng Sên kháy ba Đức:”Mất cả chì lẫn chài”. Nhưng đến khi có lệnh hành quân, nó ở đâu lại lò dò mò về. Cả bọn mừng hết lớn. Không biết nó đã quên, hoặc không nhiều định kiến. Trên xe, chúng tôi beo tai, bóp chân bóp cổ, vật nó ra làm lành. Tình bạn nào cũng trải qua nhiều thử thách đau lòng, chủ yếu là người trong cuộc gây ra.

Đồng bằng đã ở lại sau lưng. Tiểu đoàn tiến sâu mãi vào khu chiến, lúc đi xe, lúc đi bộ. Tiếng pháo 105mm đề pa sau lưng từ những trận địa dựng vội, tiếng hoả lực âm âm dội về từ trong núi. Trên những con đường bò heo hút, đã có những cuộc chạm súng nhỏ lẻ với trinh sát địch. Hơn tháng trời bình yên, giờ nghe tiếng súng, Sara phấn khích ra mặt. Nó hiểu rằng cuộc sống nay đây mai đó lại bắt đầu. Chuyến viễn du vô định, đầy bất trắc cùng với những cái mùi đặc trưng chưa từng thấy trên vỉa hè thị xã. Mùi tanh nhạt của thép nòng, mùi hăng ngọt của liều phóng dẻo, mùi cay nồng khói súng, mùi thơm hắc thùng lựu đạn mới khui, mùi chua khét toả ra từ các ông chủ hai chân…Tóm lại là mùi lính, mùi bụi đường nồng nghẹt của phiêu lưu đã quay trở lại, kích thích nó hoạt động. Không biết có hấp dẫn bằng mùi cái đuôi con chó cái phum S’vay Check kia không? Nhưng rõ ràng là chú chàng đang phấn khích. Lúc chạy trước, lúc luồn sau theo bước quân hành.

Tiểu đoàn được lệnh luồn sâu, chiếm cái nhà ga xép giữa rừng, giữ cầu cho xe tăng thọc vào Ăm leng, thủ đô kháng chiến của chính phủ Kh’mer đỏ. Khẩu DK.75 của thằng Minh, như thường lệ, lại đi phối thuộc. Chiều, xuống đến nơi, thằng này toét mồm ra cười, dứ dứ vào mõm con Sara miếng thịt bò khô mà chúng nó cải thiện được ở đâu đó. Con chó ngãng ra, không thèm ăn dù món này nó rất khoái khẩu. Ha ha! Anh bạn này thù dai thật! Chỉ đến khi thằng Đức đưa, nó mới cạp lấy, lảng ra chỗ khác chén.

Lĩnh cơm vắt xong, 10 giờ đêm chúng tôi lặng lẽ cắt rừng đến mục tiêu. Tốc độ hành quân chậm vì thỉnh thoảng lại phải vòng tránh địch. Đôi khi nghe rõ tiếng chúng nó đang chặt cây đào hầm gần ngay bên sườn. Mỗi lần như thế, Sara lại gừ gừ khe khẽ. Hơn ai hết, nó hiểu rõ cái mùi những con mồi mà chúng tôi đang săn đuổi. Cái mùi mà nó đã bắt gặp từ những cái xác địch dọc đường. Nhưng bây giờ chưa phải lúc. Thằng Đức quỳ xuống, cúi sát mặt con chó, hai tay túm lấy tai nó lắc lắc. Chừng như cũng hiểu cử chỉ ấy, nó không dám sủa một tiếng nào. Cứ thế trong đêm tịch mịch, liên tục đổi hướng, vượt từng đoạn ngắn một. Bây giờ thì tiểu đoàn đã nằm giữa lòng địch. Mờ sáng, mái ngói đỏ nhà ga đã hiện ra sau cái bờ đê thấp. Từ vị trí tạm dừng chân ở cái suối cạn này, tới bờ đê là một khoảng rừng thưa. Phải lên được cái bờ đê kia mới có lợi thế triển khai tấn công được. Hai đại đội bộ binh được lệnh tiếp tục lợi dụng địa hình địa vật bò lên. Đụng địch là tấn công mạnh phủ đầu ngay, và phải giữ bằng được cái đê ấy. Đại đội 3 ở lại, bám giữ con suối, đề phòng địch đánh sau lưng.

Nằm ở tuyến sau, bọn địch ở đây khá chủ quan nên bị bất ngờ. Trung đội chủ công bò tới sát chân ta luy, nơi con đê lượn sát con đường đất. Thằng địch gác ca cuối trong cái hố gác tùm hum trên mặt đê đang ngủ gật, bị thằng Sên xỉa một loạt ngắn gục tại chỗ. Bộ binh nhanh chóng tràn lên mặt đê, bắn găm vào mấy cái lán nhỏ. Vài bóng áo đen chạy toé ra từ ba cái lán, sụm xuống trong những loạt đạn bắn gần. Cả trung đội hơn chục thằng bị tiêu diệt gọn. Từ trong sân ga, ba phát đạn vạch đường đỏ lừ, veo véo qua đầu chúng tôi như thể bắt liên lạc. Chừng như chúng nó vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra với đơn vị tiền duyên. Đến khi mấy quả B.41 cắm vào, giật tung mấy cánh cửa sổ nhà việc một tầng, phá một mảng lớn, lúc ấy địch mới kịp phản ứng. Hai khẩu đại liên địch quét dài, khống chế con lộ đất cắt đường sắt mà ban đêm, chúng tôi đã phải vòng tránh nó. Một khẩu 12.8 chĩa nòng qua cái cửa sổ đã đục thấp xuống phía sườn nhà ga chính, bắn lướt trên mặt đê. Đạn cày trên bờ cao, tung đất theo từng nhịp bắn. Nhưng lúc đó, anh em bộ binh đã vượt được qua mặt đê gần hết. Đại đội 1 đã vào gần đến cái tháp nước. Địch bám đường ke thấp, lợi dụng nó như một chiến hào tổ chức đánh trả. Bên này đê chỉ còn trận địa hoả lực trợ chiến tiểu đoàn. Hai khẩu cối 82 gióng tầm, bắn cấp tập vào sân ga. Có quả đạn nổ tung trên vòm cây phượng tây cổ thụ, cành lá rơi xuống rào rào. Thằng Minh hô anh em bám lên, khoét vội cái hàm ếch bán khuyên sát mặt đê giá pháo. Nó bỏ mũ sắt cho khỏi vướng, lắp kính xoay nòng trực tiếp ngắm thay xạ thủ số 1. Với khoảng cách 150m thế này không được phép bắn trượt. Sau một ánh chớp, viên đạn xuyên đỏ lừ chui tọt qua bức tường sát cái cửa sổ, nổ âm. Thêm hai phát đạn chạm nổ bắn bồi, chụp đúng mái ngói dội xuống, bốc bụi mịt mù. Khẩu 12.8 mm trí tuệ bặt. Đã nghe tiếng quát gọi nhau của anh em bộ binh trong các góc tường khuất. Cối chuyển tầm, bắn chặn đường rút. Địch bung trận địa, mấy chục cái áo đen tháo chạy rông rốc qua cánh ruộng khô vào rừng.

Đến đây thì một chuyện xảy ra. Trong khi đi kiểm tra dọc đường sắt trên ga, cho anh em vận tải thu súng, dọn xác địch để chốt lại chờ đội hình trung đoàn, anh Định chính trị viên bỗng thấy con Sara sủa dữ dội đằng sau. Anh ấy huýt gọi, nhưng nó nhất định không tiến nữa, cứ gióng mõm vào cái xác vắt ngang dưới đường sắt trước mặt mọi người mà sủa. Mọi người cảnh giác đứng lại. Ruồi đã bu đặc trên mảnh áo đen đẫm máu, đột nhiên bay vù lên mù mịt. Tất cả giật mình chạy giạt ra. Cái xác bỗng oằn người lật ngửa, mở mắt nhe răng cười lên khanh khách. Trong tay nó là quả lựu đạn M.67 đã rút chốt. Không đủ sức vung, nó buông tay liền. Theo phản xạ, chúng tôi chúi xuống. Trái tức thì chớp nổ cái “Ầm!”. Rất may là nó nằm dưới đường sắt nên hai bờ thành ke cao đã chắn miểng cho tụi tôi. Tất cả bàng hoàng, nhìn cái bờ đường ke lấm chấm những mảnh vụn thân người.

Tiểu đoàn rút C3 về bờ đê, chốt ngay vị trí của địch tại đó. C1 chúng tôi được đẩy lên nhà gác ghi, cạnh cái cầu sắt song song với cái cầu gỗ mà tiểu đoàn phải giữ để chờ xe tăng vào. Cầu sắt cho xe lửa chạy, còn cầu gỗ dành cho cơ giới qua lại trên con lộ đất song song với đường sắt. Cái cầu gỗ chúng nó đang đốt dở thì bị đánh bật ra. Nó được bọn công binh địch làm bằng những thân gỗ lim vuông, đen bóng xếp song song sát nhau. Mỗi cây gỗ dài tới 8 mét có dư, gối sâu vào hai bên bờ suối và được gia cường bằng gỗ chống xiên. Kích thước tiết diện mỗi cây dầm khoảng 45x45 cm, được liên kết với nhau bằng những cái đinh móc khổng lồ. Mặt cầu ghép ngang bằng những cây dầu vuông để dàn đều tải trọng. Dưới gầm cầu, cái búi nòm bằng gỗ dầu tưới xăng đang cháy dữ dội. Chúng tôi lăn vào gầm cầu chữa cháy, trong khi địch ngoài rừng vẫn bắn đại liên vào rào rào. Nhiều loạt đập vào những thanh dầm thép trên cầu sắt, kêu choang choang như búa nện rồi văng tứ tung. Hơn mười lăm phút đồng hồ, đám cháy mới dập tắt được. Cái gầm cầu giờ biến thành hầm chỉ huy đại đội rất kiên cố.

Chiều xuống. Không gian oi nồng mùi thuốc đạn, mùi máu, mùi xác chết đang trương… Trong cái hỗn hợp mùi vị chiến tranh ấy, thấy phảng phất đâu đây mùi hắc ín ngâm chống mối từ những thanh tà vẹt gỗ. Cái mùi thân thuộc mà bất cứ nhà ga nào cũng có. Tưởng như chỉ chút nữa thôi, từ phía mé rừng đang khuất dần trong hoàng hôn rực đỏ kia, một đoàn tàu với những ô cửa sáng đèn sẽ sình sịch lao qua cái ga xép này, hú dài lên hồi còi ly biệt...Cái ô cửa xanh vụt thoáng qua, ngời lên gương mặt người thiếu nữ chưa hề quen biết, nhưng sao thằng Đức lại nhớ như in trong một chuyến tàu ngược miền Trung thăm má. Nó thẫn thờ ngắm ánh hồi quang cuối ngày, phản chiếu từ cái đèn đỏ trên cột đèn tín hiệu sân ga rồi lẳng lặng cúi xuống khui thùng đạn.

Chẳng có đoàn tàu nào hết! Đại liên địch toác toác loạt cuối cùng rồi tắt tiếng. Bộ đội ăn cơm mò trong bóng tối.

Trừ đại đội 3 hơi xa chếch bên sườn C1, các đại đôi và tiểu đoàn bộ bố trí khá gần nhau. Mật khẩu hỏi :”Cửu!” - đáp “Long!”. Đêm sâu dần. Không hiểu sao con Sara chẳng im lặng như mọi hôm, lại cứ ủng oẳng sủa. Thằng Đức hết vỗ lại nẹt nhưng nó vẫn ấm ứ không chịu thôi. Thằng Sên đánh luôn một câu:”Chó cắn ma đấy!”. Nhớ tiếng cười khanh khách rợn người của thằng địch tự sát hồi trưa, tôi rủ Tuỳ ra hầm gác chung. Chim lợn nghe mùi tanh, léc quéc trên những cành phượng thấp. Giống chim ăn đêm, thân nhỏ đen sì, nhưng tiếng nó gào thì nhức cả óc. Có tiếng thét thất thanh phía trung đội vận tải. Anh Định đi đốc gác đêm cùng với liên lạc chạy quay ngay lại đó. Thằng Lân gác tử sỹ ú ớ, líu lưỡi chỉ vào cái võng thằng Quý hy sinh hồi sáng, đang gác đòn chéo trên hai cái cửa sổ :” Thủ trưởng, thủ trưởng! Thằng Quý vẫn còn s..ố…ống, còn đang đưa v..õ... õng!”. Một cái tát nảy đom đóm mắt cho nó tỉnh lại. Nó mếu máo ôm má, theo anh Định tiến lại gần. Người chỉ huy nhẹ nhàng lật tấm tăng, rọi cái chấm nhỏ ánh đèn pin đã bịt. Bên trong võng, gương mặt liệt sỹ bình thản, cặp mắt khép hờ như đang ngủ. Vuốt sửa lại mái tóc bết bụi cho nó xong, anh ấy lẳng lặng đi ra ngoài.

Gần sáng, khoảng phiên gác thứ ba, địch bắn hơn chục trái cối 60 vào ga. Phía cầu, chúng nó lại bắn đại liên 50 dọc theo đường sắt. Đạn vạch đường lao vun vút. Tập kích kiểu này quá bằng gãi ghẻ. Có cả tiếng M.113 gầm gừ rất gần hướng đó. Thằng Minh căng mắt, tức tối không biết cái xe địch đang nằm bắn ở chỗ nào. Chợt nghĩ ra một trò tinh quái, nó kéo thằng Sên với ba Đức lộn lại trong sân ga. Ba thằng cùng bọn vận tải hè nhau lăn cái thùng phuy xăng còn khá đầy trong kho địch lên cái xe goòng. Một, hai, ba…tụi nó bám vào, cong mông đẩy. Chiếc goòng lao nhanh dần. Đến cầu sắt thì cả bọn dún mạnh một cái rồi buông tay hổn hển. Cái xe lao qua cầu sắt, rồi ầm ầm trôi theo quán tính về phía địch. Không biết cái thiết xa này là loại vũ khí gì đang xung phong? Bọn địch ven đường tập trung xả đạn vào cái goòng. Thùng xăng trên xe bốc cháy đùng đùng. Xăng chảy, phun thành dòng lửa dài theo vệt đường sắt. Cái xe lửa vẫn lừ lừ trôi chậm dần, trước khi nổ cái “bùng!” trùm lửa sáng rờ rỡ như ban ngày lên mọi vật. Cái M.113 kia rồi, khoảng cách 350m. Nó ngừng bắn, đang quay 180 độ tại chỗ trên lộ đất để chạy ra chỗ khác. Nheo mắt chút cho khỏi chói, thằng Minh nhanh chóng lấy đường ngắm. Lựa đúng lúc nó phơi sườn rộng nhất, khẩu DK.75 khai hoả. Chiếc xe rùng mình, tiếng máy tắt lịm. Lát sau, một cột lửa khác đã bốc lên từ thân xe. Cối 82 tiểu đoàn cứ căn quanh đám lửa, nổ ùng oàng.

Sáng hôm sau, đội hình lớn vào đến nơi. Tiểu đoàn bổ sung đạn dược, bàn giao thương binh, tử sỹ. Một tiểu đoàn pháo 105mm nằm luôn ở sân ga thay chốt. Bọn pháo cũng mang theo một con chó. Con này lớn con hơn Sara. Đã thế lại còn vô lễ, chưa học rành câu tiền chủ hậu khách. Còn đang ngồi chồm hỗm trên thùng xe Hoàng Hà, trông thấy bóng con Sara, nó dựng người bấu vào thành xe sủa ông ổng. Cũng phải thôi, cái thùng xe là nhà của nó, nhưng dưới mặt đất thì lại hoàn toàn khác. Xe vừa dừng, đúng tác phong chuyên nghiệp con nhà lính pháo, nó nhảy chuyền một phát xuống càng pháo rồi nhảy xuống đất, lao thẳng vào con Sara tác chiến luôn. Sara né cú lao phủ đầu, nhởn cái môi trên nhe hàm răng trắng đầy vẻ đe dọa. Mặc kệ! Sau cú đòn phủ đầu lố đà, con chó kia quay lại, gằm mặt tấn công đợt thứ hai. Chờ cho con chó kia nhún chân sau, bắt đầu cú nhảy, Sara bật tại chỗ, dợm chéo ngang sang một bên. Bước “lăng ba vi bộ” kỳ ảo này có lẽ nó đã học được các cao thủ cẩu, từ các trận tử chiến giành ăn trên vỉa vè đói khát. Lính pháo thấy quân nhà nắm lợi thế, bỏ cả xe pháo còn nguyên móc, đứng xem vòng trong vòng ngoài. Ba Đức thấy con chó kia to hơn Sara gần gấp rưỡi, tính thu quân nhưng bị thằng Minh túm tay cản lại. Anh tiểu đoàn trưởng pháo cũng tham gia cổ vũ trận cẩu chiến, hét lên bằng giọng Nghệ an khàn khàn :” Con mô thua, con đó mần rựa mận hè !”. Lính pháo binh, bộ binh reo lên ầm ầm. Lần này con chó kia không lao thẳng nữa. Nó xoay vòng vòng, muốn rình tấn công từ bên sườn. Hai con chó quấn lấy nhau, bụi mù trên đường ke lở lói vì đạn cối. Tiếng thở hồng hộc, tiếng hàm răng chó táp trượt câng cấc. Sau mười phút giao tranh, trận chiến giờ đã ở thế cân bằng. Con chó pháo đã bị hai vết thương sâu đùi sau vì đòn đà đao nha của con Sara. Lưỡi nó đã thè ra, mõm sầu bọt. Sara cũng bị táp một miếng sâu bên sườn. Miếng da sườn bị rách đẫm máu, lật lên lật xuống theo từng cú nhảy. Sara ngày càng chiếm lợi thế. Sức bền của con chó to xác ngồi xe sao địch được lính cẩu hành quân bộ 20 km mỗi ngày? Sới đấu chó đã thành một vòng rộng. Cánh lính bộ binh tiểu đoàn lúc này được thể, gào lên hét:”Sara! Sara! Sara…!”. Anh Định rút súng ngắn nổ một phát chỉ thiên, hô dõng dạc:” Con nào chạy bắn bỏ!”. Như hiểu lời động viên, Sara mỗi lúc một nhanh nhẹn. Lừa thế con chó pháo đang xoay đuôi sát bờ ke phơi sườn, nó lao tới dùng mõm húc một cú. Con kia lăn xuống đường sắt ngã ngửa. Sara bổ tới chồm lên, ra cú đòn hiểm cuối cùng. Yết hầu con chó pháo vỡ cái rốp sau cú đớp sát thủ. Nó loạng choạng đứng dậy, rồi lại ngã lăn ra. Cổ nó khò khè trong tình trạng chết đuối cạn. Tất cả ồ lên một lượt. Tiểu đoàn trưởng pháo binh bước tới, khoái trá rút K.59 làm phát nhân đạo giữa đỉnh đầu nó. Thằng Minh xuýt xoa:” Thủ trưởng làm hỏng mất mẹ món óc chó nướng của em rồi!”. Anh ấy kéo nó theo luôn “Chú em rành món chó hả, sang đây giúp tụi anh!”

Một loạt AK toác toác réo qua đầu. Đó là mấy thằng ở tổ cảnh giới ngày phía ngoài đại đội 3, thấy trong ga ầm ĩ hò reo, không hiểu chuyện gì, tức mình bắn vào để giải tán.

Tuy thua trận nhưng mấy thằng lính pháo hớn hở ra mặt. Vừa được xem vừa được chén, lợi cả đôi đường. Có khi chính chúng nó mong con Sara thắng trận còn hơn cả ba Đức. Hai thằng túm cẳng con chó chết lôi đi ngay. Đức ôm “người hùng” còn đang thở hồng hộc, khụng khiệng về ban chỉ huy đại đội. Thằng Phương y tá lấy panh, gắp bông nhúng cồn rửa vết thương cho Sara. Hẳn là rất xót nên nỏ rít lên khe khẽ, người run bần bật theo mỗi nhát panh đưa. Thỉnh thoảng, khi nó quay lại liếm vết thương, thằng Đức lại tát nhẹ nó một cái. Nó cũng hiểu nên không liếm nữa, nằm yên cho mọi người chăm sóc. Sên cởi cái quần rách gối đang mặc, cắt một bên ống lồng vào thân con chó, che vết thương để chống ruồi. Mà ruồi nhặng ở cái ga này sao nhiều khủng khiếp. Miếng thịt trâu bọn pháo bắn được dọc đường vào, cho đại đội mới treo trên thành cầu chưa kịp làm, lát sau đã nhung nhúc giòi con trắng như đầu tăm do nhặng đẻ. Sara bị buộc cổ dưỡng thương, buồn tình tiêu khiển bằng cách đớp ruồi. Mỗi lần nó văng mõm, lại có một hai con ruồi bị nuốt chửng. Chó ngáp cũng phải ruồi liên tục. Thằng Tuỳ bắt chước nó, táp thử hú hoạ một phát. Táp xong, nó phun nước miếng phèo phèo. Trong bãi nước bọt, thấy đen sì một con ruồi. Nó hất hàm nhìn con chó, ý bảo mày đã là cái gì, thấy ông chưa?

Bàn giao lại nhà ga cho lính pháo xong, tiểu đoàn lại lên đường tiến vào trong núi thẳm. Chó liền da, gà liền xương. Sau vài hôm, vết thương sườn con chó đã se miệng. Nhớ cái ơn cứu mạng trên đường ke, hơn nữa lại chứng kiến trận chiến oanh liệt của nó với con chó pháo, anh Định cưng nó lắm, muốn kéo nó về tiểu đoàn bộ. Tốn cả mấy hộp thịt để nịnh, nhưng cứ tháo dây buộc là nó lại dông về trung đội nên đành chịu. Thằng anh nuôi chia cơm bây giờ cũng cho chúng tôi đầy hơn các trung đội khác. Khi nắm cơm vắt bao giờ cũng không quên dành cho nỏ một vắt nhỏ. Một con chó lính có tiêu chuẩn đúng nghĩa.

Chúng tôi đã vào sâu trong cứ địch. Rừng kẹp trong các khe tụ thuỷ, thâm u không bóng mặt trời.Thỉnh thoảng thấy sáng quang bóng nắng trên các triền bình độ cao, rồi rừng lại khép ngay. Hành quân trong lòng cây, như đi trong u tì quốc. Thế giới của Sara bây giờ là thế giới của mùi hơi. Mắt nó bị cản tầm nhìn, nhưng cánh mũi ẩm ướt luôn luôn động đậy. Ấy là nó đang phân biệt mùi lạ từ cả ngàn những nguồn hơi quen thuộc hằng ngày trong cuộc sống lính. Chuyến phiêu lưu mới với rừng, dạy cho nó thêm nhiều loại mùi chưa từng có trong bộ nhớ. Không phải mùi nào cũng hấp dẫn như mùi chuột hoặc mùi chó cái. Nó đã nhận được biết mùi khai của con dím, con don dính nhựa măng le; mùi hôi mửa của con lửng lợn ăn đêm; mùi gây nồng của lông con trâu rừng suốt ngày dầm bùn phơi nắng đầm hoang… Đôi khi đâu đó thoảng qua một cái mùi khét lạ của cọp, cái mùi tồn tại đâu đó trong tiềm thức loài chó, làm chân nó như muốn khuỵu xuống. Nhưng khi nhìn thấy các người bạn hai chân kia vẫn mải mốt đi, nó vững tâm tiến bước.

Đột ngột, trong không khí thoảng cái mùi khai mặn gắt của con lang. Lang là loài chó rừng, từa tựa như linh cẩu nhưng nhỏ hơn, đi thành bầy ba đến năm con. Loài này thích ăn xác động vật chết nên hay đi theo hổ kiếm chút thịt thừa. Mũi giống lang rất tinh. Hổ có tinh ma, giấu con heo rừng ăn dở xuống đầm nước thì chúng nó cũng mò ra được. Đã có lần, Sara lên cơn hứng, rượt theo một con lang cái đang tơ. Cô nàng hoang dã, không biết một chút gì về phép lịch sự phong tình phố thị. Nó vừa chạy ngoắt ngoéo, vừa chổng đuôi phụt nước tiểu vào mặt kẻ săn đuổi ái tình mê muội, trước khi dụ nó đến chỗ bầy lang đang phục. Sara dính đôi giọt, phỏng cháy một bên mắt, cúp đuôi chạy về. Cả bầy lang năm con băng rừng ào ào đuổi theo. Thằng Tuỳ thấy cỏ gianh rẽ sóng lượn dưới chân khe, hiểu rõ sự tình nguy hiểm. Nó quỳ xuống lấy đường ngắm, quất một loạt AK bắn đón chính xác. Một con vỡ bả vai lăn lông lốc, bầy lang mới tháo lui. Mắt Sara sưng phồng, kéo màng mấy hôm mới khỏi. Nước tiểu giống lang này rất lợi hại, một hai giọt vào mắt cũng làm mù tạm con mồi. Bởi thế, khi săn đuổi những con mồi lớn hơn, bầy lang thường xúm vào, đái mù mắt nạn nhân trước khi hạ thủ. Bị chơi khăm một vố tàn độc và quê độ như thế nên Sara rất thù ghét giống này. Giờ thì cái mùi ấy đang quanh quẩn đâu đây nơi cuối gió. Nó ngoạm ống quần thằng Đức, gầm gừ nhay kéo, ra hiệu có mồi.

Đại đội 1 đi theo nó, lệch với hướng hành quân lúc đầu khoảng 30 độ. Đi được khoảng 150m, thấy mấy con ruồi vo vo bay quẩn theo. Theo kinh nghiệm, có ruồi là sẽ gần đến khu vực có thú hoặc có người ở. Thằng Đức rút con dao quắm cán dài, phạt các cành cây, dây leo chắn lối vì rừng rẩt dày. Sara dừng lại, ngúc ngắc ư ứ trong họng, ra dấu không bằng lòng. Đội hình vạch bụi rậm, thận trọng bám dần lên theo nó. Sara không hít đất như kiểu theo lõng thú, mà chạy luồn quanh quất đánh hơi. Hướng tiến của nó dần ổn định hơn, dẫn lên một triền rừng cao dần. Bây giờ nó không chạy nữa mà dán bụng xuống đất trườn đến. Học theo nó, tất cả đi khom, cố không gây tiếng động. Đến một ụ mối lớn, Sara dừng lại, lông nó chợt dựng ngược hết lên. Chúng tôi nằm xuống, khe khẽ vạch lá nhìn xuống triền thoải mé bên. Rừng mé bên này thưa hơn. Dưới thấp kia, cách cả bọn chừng 50 bước có một con đường mòn nhỏ, vệt đi vừa lối chân người. Cạnh đường, một bầy lang năm sáu con đang bới đất trong một cái hố vuông vức đào sẵn. Mặt hố được rấp lá tươi sau khi lấp vội. Đất trong hố tung lên theo những cẳng chân bới vội của bầy chó. Cùng với đất là các mảnh vải đen mục tơi tả, các túm bông băng nhoét máu, các bộ phận rời của cơ thể con người. Hai con lang gằm ghè, giằng xé tranh nhau một cánh tay người đã rữa thịt. Mùi thối khắm nồng nặc. Ruồi tụ về như một đám mây đen nhỏ, bốc lên từng đám trên mặt hố. Thằng Sên nhăn mặt, quay lại lào thào :” Phẫu địch! Báo tiểu đoàn chuẩn bị chiến đấu!”

Bầy chó rừng ngừng bới, cúp đuôi dông thẳng khi thấy chúng tôi. Hai đại đội đi khom, ngược với lối chó rừng chạy. Tất nhiên chúng nó sẽ chạy về hướng đường không có người ở. Qua cái bãi trống nhỏ, địch đã phát thưa cây làm nơi chôn xác, hai mũi vòng hai sườn bọc vào. Tiến thêm gần 150 mét nữa, đã thấy những mái lá gianh xập xệ, thấp thoáng trong tán lá. Im lặng hoàn toàn, tịnh không một bóng người. Có thể trạm phẫu địch đã rời đi từ mấy hôm trước, khi trung đoàn 1 cùng xe tăng đánh vào dọc con lộ chính. Một trạm phẫu khá lớn với hơn chục căn lán rộng, có sàn thấp lót bằng thân le nằm rải rác. Vết buộc võng còn nhẵn trên các cây quanh nhà. Bàn phẫu tạm còn tấm nilon tơi tả dính máu khô, thủng lỗ chỗ do kiến rừng đục. Mở rộng lùng sục, không phát hiện gì thêm ngoài vài hố rác, lổng chổng lọ Péniciline đã dùng. Với các dấu vết còn lại, có thể đây đã là một trạm phẫu cấp sư đoàn của địch.

Sara sục vào trong lán bếp. Một cái mùi tanh nhạt thoảng qua làm nó lạnh mũi. Có tiếng loạt soạt khe khẽ trên thanh xà ngang . Theo phản xạ cực nhanh đã được rèn luyện thường xuyên, nó nhảy vọt ra, bật ngửa trên nền đất đầy lá rụng. Từ trên gióng kèo mái lán bếp, con trăn mắt võng gần năm chục ký đang nằm rình chuột, văng mình theo. Sara hộc lên một tiếng ngắn, nhảy tiếp một cú nữa rồi cắm cổ chạy. Con trăn say mồi, cuộn mình lao theo, tung lá khô trên đất từng đám. Giống trăn mắt võng chỉ mạnh khi ở trên cây thôi. Xuống đất thì nó cũng chỉ là con rắn to xác, mất hết lợi thế. Biết hụt con mồi, nó rúc đầu, lủi mình trong thảm lá khô dày, chậm rãi trườn đi. Thỉnh thoảng lại gồ lên khỏi đám lá, lộ ra cái lưng đầy hoa văn, loang lổ hình quả trám nâu đen viền trắng. Anh Định chạy tới hét :“Phương! Phương lại đây! Cho tao bát cồn nhanh lên!”. Chúng tôi đã mở nấc an toàn định bắn, nghe anh ấy hét vội dừng hết cả lại. Anh Định giật khẩu AK thằng liên lạc, nhằm giữa lưng con trăn nổ một phát. Nó gãy xương sống, oằn người dãy tung mù lá rụng. Thằng Sên với thằng liên lạc tiểu đoàn lao vào đè xuống, chụp cổ nó bóp nghẹt. Nó gồng người lên, muốn quấn lấy người nhưng liệt thân dưới, bất lực. Anh Định túm khúc đuôi, lấy dao găm chặt bay đoạn mút. Thằng Phương đưa cái bát sắt đựng cồn 75, chìa vào hứng. Tiết trăn chảy tong tỏng, loang đặc dần, đỏ khé. Đầy bát, anh ấy làm ngụm lớn rồi đưa cho mọi người :”Làm tợp cho sung, khỏi đau lưng, chúng mày!”. Thằng Sên buông con trăn đã ngắc ngoải, đón cái bát, tỉnh bơ chiêu một ngụm lớn. Mới nửa vòng thì bát tiết đã hết sạch. Thằng Phương rót thêm cồn, tính hứng tiết làm một vòng nữa thì bị cản lại. Uổng tiết cuối tanh, không có lợi. Con trăn lớn quá. Bọn làm thịt trăn treo nó lên xà lán lột da mà phần đuôi còn cuộn khoanh mấy vòng dưới đất.

Ân oán cứu mạng nhau thế là huề, nhưng chẳng ai tính đếm chuyện này với một con chó. Chỉ biết bây giờ xuống trung đội 1 không thấy Sara thì ai cũng hỏi. Những ngày nghỉ hành quân, được đứng chân lâu lâu một chỗ, thằng Đức vật nó ra bắt ve. Cái giống ve rừng bám dai khủng khiếp. Có những con mễn thằng Sên bắn được, trong cái tai lúc lỉu ve cái bám, như chùm sung non. Trong các kẽ ngón chân sau con chó cũng bám đầy loại ve này. Loài côn trùng ký sinh với hai răng móc xuyên ngập khoảng da mềm, cắm vòi hút máu. Để nó phải tự nguyện rời móc răng độc ra phải làm từ từ. Đức lấy một thanh củi còn than đượm, hơ đầu nhọn cái gim băng cho thật nóng rồi từ từ gí vào gần sát bụng con ve. Thấy nóng, con ve huơ huơ ba cặp chân nhỏ tí trên cái thân tròn mọng màu ghi to cỡ hạt điều. Thằng Đức lại nung gim băng, gí gần và lâu hơn nữa. Lần này, con ve không chịu được đành nhả móc, rơi lăn ra đất. Đức gẩy nó vào đống than hồng, nổ cái bụp. Kinh nghiệm bắt ve này của lính cũ truyền lại. Nhiều thằng không biết, khi tắm thấy ve rừng bám bẹn cứ thế rứt ra ngay. Con ve đã rời ra nhưng cái móc độc vẫn nằm sâu trong da, rất ngứa. Lâu dần chỗ ve đốt sưng đỏ lên, mưng mủ rất đau. Lúc hành quân, nhìn những thằng chân đi khệnh khạng chữ bát, biết ngay là nó bị lác nặng hoặc bị ve đốt bẹn. Có khi chỗ đó thành một cái cục thâm sì, cả chục năm sau vẫn chưa hết ngứa.

Sư đoàn đã tiến qua sườn Ăm leng.

Những con đường không tên, không hề có trên bản đồ tác chiến ngang dọc trong rừng thưa. Vết xe xích, xe tải, xe bò địch chằng chịt trên nền đường bụi mùa khô. Rừng cháy. Chân rừng mọc toàn cỏ gianh, cỏ tre đã cháy trụi. Chỉ còn phần búi gốc cỏ được lửa hong tái, toả mùi thơm ngòn ngọt mỗi sớm mai khi còn sương ẩm. Nhưng cái đám gốc này trở nên cứng và nhọn hoắt khi nắng lên, đâm tua tủa, cào vào ống quần xé bợt những sợi vải bục, vốn đã ải ra vì mồ hôi muối. Được vài hôm hành quân thì quần thằng nào cũng chỉ còn ngắn đến gần đầu gối. Giặt quần áo ở suối, nhiều thằng lính không dám vắt, vì sợ mạnh tay quá thì cái áo bục ra làm đôi. Con Sara cũng đang kỳ thay lông. Được cái đám chổi trời này quét hộ, lông nó mắc từng đám ở đó.

Như là đồng điệu, lính rách thì chó cũng trụi, lính đói thì chó cũng ít ăn. Thiếu rau và ăn mặn thường xuyên, thằng Tuỳ và bọn tôi táo bón nặng. Mỗi lần đi cầu, nó gân cổ, đỏ mặt nhăn nhó, cố thoát khỏi cơn đau đớn hành hạ đại tràng. Sara chầu hẫu bên cạnh chờ nhặt. Dẫu sao lúc này nó cũng chỉ là một con chó, bình thường như mọi con chó khác trên đời. Đôi khi Thằng Tuỳ còn cảm thấy xấu hổ với chó, vì đã cố gắng rặn hết sức nhưng cũng chẳng có gì để cho nó cả. Bạn bè gì đến cục phân vẫn còn tiếc? Thơ thẩn lai láng ông lính chuyên Văn này thì Sara đâu có hiểu? Nó lúc này đang chờ điều khác, thú vị và thiết thực hơn thơ!

Mấy tháng trời trong rừng toàn cơm vắt chấm muối, thiếu rau và thực phẩm nên lính tiểu đoàn cũng chẳng buồn kiêng nữa. Đám rau môn thục cằn trong các khe ẩm ướt, ngứa rã họng cũng tranh nhau hái. Kỳ đà hay con trút Sara lôi về bây giờ cũng chén tất. Mưa lúc nào mát mát mặt lúc ấy! Kệ mẹ, sống chết đã có số, nghĩ ngợi làm gì cho mệt đầu? Như thằng Khoát, thằng Phùng dân Huế kiêng khem đủ thứ kia. Ùng oành một phát thế là rủ nhau đi cả đôi cho có bạn nhậu đồng hương! Hai thằng này nhỏ con. Lúc sống chung một tiểu đội, lúc chết nhặt nhạnh khiêng chung vừa đúng cái võng. Vì cái võng kia của thằng Phùng bị trái B.40 đó thiêu cháy rụi. Ra đi bằng một đòn khiêng, nhẹ đời rong ruổi thành tiên trên giời! Những thằng kiêng nhất như thằng Tuỳ giờ lại là những thằng chén đồ huý tợn nhất. Khi đã vượt qua được điều cấm kỵ dở hơi, khi đã thấu lẽ sống chết như tấc gang may rủi thì cái đầu đẫm văn chương của nó trở nên trần trụi quá mức, như sự trả thù thói lãng mạn khốn nạn. Buổi tối dừng chân bờ suối, trung đội ngồi quanh chậu cơm cạnh đống lửa, toàn quần cộc áo cụt. Râu tóc xoã sượi đến vai như người rừng do lâu không cắt. Thằng Sên trở đòn, nướng con trút còn nguyên vảy trên than hồng. Vảy con trút gặp nhiệt, dựng lên dần dần như kiểu người ta sởn gai ốc. Dựng được đám vảy nào, Sên lại đưa ra ngoài lấy que cứng gạt cho rụng xuống. Vảy sừng con trút vài cái rụng trong đám than lửa, khét lẹt như mùi tóc người cháy. Nhưng với cả bọn, giờ đã là một cái mùi thật hấp dẫn. Thằng Đức giã muối rang cành cạch trong ca inox bằng chuôi dao găm, hít hà nuốt nước miếng ừng ực rồi phán :”Giống mùi sư thiêu xác ngoài chùa S’vay Check quá ta!”. Chẳng ai buồn để ý câu nói gở mồm. Ngần ấy con mắt vẫn nhìn hau háu vào con vật thiêng của điềm xui, vốn trước đây phải né như kiêng đồ cúng. Thôi! Tế sớm các cha cho khỏi ruồi!

Đang độ cuối mùa khô. Rừng thiêm thiếp nằm dưới nắng hun. Những cây tếch thẳng tắp, chỉ còn vài chiếc lá héo quăn trên sát ngọn, toè ra như đầu bút lông, xơ hết mực. Những chiếc lá tếch lớn bằng nửa cái bánh đa, rụng xoay xoay, liệng trong không khí lặng tờ, nóng hầm hập. Va phải những thân cây khác, chiếc lá khô ròn, vỡ tan tành như đã được nướng trên than sẵn. Gốc chồi, gốc dầu, gốc khộp được ôm bằng lớp vỏ sần sùi, nẻ toác các vết nứt dọc, nhám đen vì cỏ cháy. Nhưng chính lớp vỏ xốp dày cách nhiệt đó đã cứu cây. Bên trong thớ gỗ, mạch nhựa dù héo tàn của mùa khô vẫn âm thầm chảy, để chờ đến khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, là rừng lại hồi sinh.
Nhưng bây giờ rừng đã kiệt nước, lá khộp chuyển một màu vàng khô nhức mắt. Cành nhỏ, lá khộp lắc rắc tan vụn dưới bước chân những người lính. Mẹ kiếp! Đâu có thấy con nai vàng ngơ ngác nào? Chỉ có tiếng con gõ kiến cốc cốc, khua hồi mõ tụng kinh đâu đó một hồi dài. Cái âm thanh khô khỏng ấy tưởng chừng cũng muốn vỡ vụn ra dưới nắng nung… Thằng Tuỳ liếm môi lê bước, vẩn vơ nhớ cái màu vàng chói vô nghĩa của cánh rừng thu miền trung nước Nga, có con lạch nước xanh thẳm trong một bức tranh nó xem hồi bé. Ồ! Phải rồi! Nước! Cái lạch nước đó hẳn là lạnh và sâu lắm! Sao hồi đó nó chỉ say mê cái màu vàng rực rỡ ấy mà không chú ý tới cái lạch nước khiêm nhường kia nhỉ? Nó khó nhọc nuốt nước bọt, lắc lắc cái bi đông gần cạn rồi ngần ngừ đút lại túi cóc. Đã bốn lần nó rút ra rồi lại đút vào mà không dám uống một ngụm nhỏ. Nghe tiếng óc ách của nước trong bi đông, Sara ngước lên nhìn nó như dò hỏi. Con chó cũng đã khát lắm! Lưỡi nó thè ra, bợt bạt không còn cả nước dãi. Mép nó dính đầy tro bụi, lớp tro dính đã rạn ra vì khô. Nhưng thấy cái bi đông trở về chỗ cũ, nó lại cúi đầu khật khưỡng bước đi không đòi hỏi. Chỉ cây dầu rái cổ thụ phía trước vẫn còn một chút màu xanh bạc. Cái cây hình chóp khổng lồ bỗng rùng mình , tung ra bời bời những quả dầu hai cánh nâu đỏ. Đám quả phát tán nhờ gió, quay tít mù như cánh quạt máy bay lên thẳng trong trận cuồng phong mồ côi. Gió quẩn lao xao rồi mạnh dần lên, xoắn thành một cơn lốc quằn quèo quái dị. Tro rừng cháy, lá khô được cơn lốc gom lại ào ào, chạy trên mặt đất rồi cuốn thành một cột nâu xám bốc lên cao tít. Tuỳ nhìn theo vết gió đi, thấy hoa hết cả mắt mũi, từ từ ngồi phịch xuống. Nó mở bi đông nước, run rẩy rót ra cái nắp. Nó chia cho con chó hai cái nắp bi đông nhỏ xíu đó. Đến nắp thứ ba, con chó ngúc ngắc không chịu uống nữa, như ý muốn nhường. Tuỳ hắt miếng nước nhỏ vào cổ họng đắng nghét. Nghe như có tiếng “xèo” của những đường rạn niêm mạc nóng bỏng, giờ mới được nước hàn cho dính liền. Nó làm thêm một ngụm nhỏ nữa cho công bằng với Sara rồi loạng choạng đứng lên.