Thành Phố Biển Qui Nhơn tỉnh Bình Định ghi dấu trong trái tim tôi từ khi tôi gặp và đồng cảm với Điêu Tàn của Chế Lan Viên Và chuyện tình của Công Chúa Huyền trân với ông Vua Chế Mân.Từ đó bất cứ điều gì liên quan đến Qui Nhơn đều cuốn hút tôi. Thơ Hàn mặc Tử chiếm giữ một phần hồn tôi cũng từ tình yêu với Qui Nhơn mà dẫn tới.
Ngay lúc này tôi bắt gặp Chiều Ghềnh Ráng Mưa Bay. Gợi tâm trí tôi muốn hòa mình vào những giọt mưa bay ấy để cảm nhận để hưởng cảm giác dưới mưa và chia sẻ những trăn trở trong một Chiều ghềnh Ráng Mưa Bay của tác giả Nguyễn An Bình.
Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển
Em chờ ai trên đồi cỏ Thi Nhân
Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần
Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió.

Nếu bạn đã từng một lần đến đồi Thi Nhân nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được khung cảnh thơ mộng nơi đây! Bắt đầu bước vô khu du lịch Ghềnh Ráng bạn sẽ phải leo dốc, đến đỉnh dốc bạn sẽ gặp hương vị mặn nồng của biển phả vô, trước khi đến nơi thi sĩ họ Hàn yên nghỉ bạn sẽ phải leo dốc Mộng Cầm.
 Nguyễn An Bình đã đến đây vào một “Chiều mưa bay” và tâm hồn tác giả phiêu du cùng cảnh sắc tuyệt diệu nơi này. Trong khổ đầu giới thiệu bài thơ này. Tác giả còn đang cùng tâm hồn lãng tử bay bổng như “mưa bay mù phố biển”. Mỗi bước chân leo dốc Mộng Cầm mà nhẹ như bay rồi còn tưởng như chiếc lá rơi chao nghiêng trước mặt kia cũng góp phần nâng bước chân mình. Tác giả còn mang theo niềm vui tôi ngộ khiến anh ngỡ có tiếng “ai cười trong gió”.  Một khung cảnh nên thơ cuốn ta đi cùng Chiều Ghềnh Ráng Mưa Bay:
Bãi Hoàng Hậu mênh mang vờn sóng vỗ
Mãi thì thầm ru giấc ngủ nhà thơ
Trăng ngàn năm sao trăng quá hững hờ
Tình say đắm trong tim Hàn Mặc Tử.

Bạn ghé Ghềnh Ráng leo dốc Mộng Cầm tới với Hàn Mặc Tử, mà chưa xuống bãi trứng Hoàng Hậu thì chưa đủ! Gọi là bãi Trứng vì đá ở đây tròn như những quả trứng lớn nhỏ nằm trong làn nước biển xanh ngắt, miên man những cơn sóng vỗ tạo thành bản nhạc ngàn năm ru giấc ngủ nhà Thơ tình “Bán Trăng” Gọi là bãi Hoàng Hậu vì nơi đây là bãi tắm dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu… cũng chính bãi biển Ghềnh Ráng này là nơi Hàn Mặc Tử đã viết lên những áng thơ  bất tử!
Tác giả đưa ta xuống Đồi để  ghé một nơi được mệnh danh là “Lầu Ông Hoàng” của thơ Hàn Mặc Tử. không phải là Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết nơi thi sĩ họ Hàn cùng Mộng Cầm ngắm trăng thủa mặn nồng mà Trần Thiện Thanh đã viết trong ca khúc Hàn Mặc Tử rằng: “ Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…” Mà đây là quán cà phê DZũ Kha của một họa sĩ điêu khắc gia mê thơ Hàn Mặc Tử:
Lầu Ông Hoàng một thời thành muôn thuở
Tiếng thơ còn vương bút điện Dzũ Kha
Khẻ chạm tay từng nét phiến thông già
Nghe hơi thở nhà thơ còn quanh quẩn.

Ai đã ghé tới “Nhà Lưu Niệm Thơ Hàn mặc Tử-Bút Lửa Dzũ Kha” này thì sẽ được nghe anh kể vanh vách thân thế sự nghiệp của Hàn Mặc Tử và có lẽ anh là người thuộc nhiều thơ Hàn  nhất và yêu thơ Hàn nhất. Anh yêu thơ Hàn theo cách của người tài yêu Người tài hơn! Anh đã có thâm niên hơn ba mươi năm dùng bút lửa viết thơ Hàn bằng chữ thư pháp lên những phiến gỗ thông đủ hình thù lớn nhỏ!
chắc chắn rằng Nguyễn An Bình đã ghé đây, đã ngồi nghe Dzũ Kha đọc thơ và viết thơ  của Thi sĩ họ Hàn và anh đã thấy Bút Lửa hâm nóng hồn thơ họ Hàn. Nên anh đã cảm thấy “Hơi thở nhà thơ còn quanh quẩn”.
Thơ họ Hàn sẽ sống lâu và sống mãi cùng những “khẽ chạm tay…” ấy của điêu khắc gia họa sĩ Dzũ Kha.
Tác giả đã đưa ta đi hơn nửa Chiều Ghềnh Ráng Mưa Bay khoảng trời mưa bay cho Tình và Thơ Hàn Mặc Tử. Bây giờ anh mới trở về với nỗi nhớ niềm mong của hiện tại
Mười mấy năm không về qua Ghềnh Ráng
Biết có còn mưa trên mộ họ Hàn
Biết có còn lá rơi dốc Thi Nhân
Đôi mắt biếc vai mềm người con gái?

Vâng mười mấy năm anh xa nơi này kể từ “Chiều mưa bay ghềnh Ráng” ấy! hôm nay anh nhớ, anh hỏi. Bây giờ có lẽ anh hỏi chỉ để thỏa mãn lòng mình thôi, chứ anh biết rất rõ mà. Mỗi khi mùa mưa về từng hạt nước dịu dàng vẫn rắc lên mộ Thi Sĩ.
 Mùa khô thì đêm xuống những hạt sương mang theo hương vị mặn mòi từ biển vẫn lặng lẽ ôm ấp thi sĩ cùng tiếng ru rầm rì từ tiếng sóng ngoài xa khơi vọng vào. Gió Ghềnh Ráng  vẫn trở mình những chiếc lá mỗi khi chớm thu  và khi Thu đến lá vẫn cùng gió hòa tấu vũ khúc Thu ở chân dốc Mộng Cầm. Chỉ có “Đôi mắt biếc” và “vai mềm người con gái” thì có lẽ đã xa nơi này. Có chăng hình ảnh ấy thì không thể nhòa dẫu mười mấy hay hai mấy hoặc đến cả trăm năm sau
Đường thiên lý đâu xuôi về nơi ấy
Chờ đợi chi trăng đã rụng lâu rồi
Chờ đợi chi kẻ góc biển chân trời
Chỉ còn lại vầng trăng Hàn Mặc Tử.

Đúng rồi tác giả ơi! Chỉ có vầng trăng của Hàn Mặc Tử là còn mãi, sống mãi, dẫu có “Xuôi đường thiên lý” tới tận nơi đâu chăng nữa. Ánh trăng trên trời kia có khi tròn khi khuyết có ngày sáng có ngày tối. Tác giả đã xuôi theo “đường thiên lý” của mình tới đâu? Mà phải để ánh trăng thề ước trên đồi Thi Nhân năm ấy rơi rụng xuống? Biển có bờ dẫu xa tít tắp. trời kia cũng có chân trời mà.?
 Dù có gì đi chăng nữa thì “Chiều Ghềnh Ráng Mưa Bay” năm ấy cũng mãi mãi là một hồi ức là một kỷ niệm đẹp của buổi hò hẹn nơi thơ mộng. nó vương vấn trong lòng để hôm nay cất lên thành bài thơ da diết theo nỗi nhớ một buổi chiều xưa ấy
Một bài thơ được viết theo thể tự do với những câu từ chắt lọc nhưng không cầu kỳ và quá chau chuốt đã kết vần thành một bài thơ với nhịp  điệu lúc trầm lúc bổng như một giai điệu nhạc. quyến rũ người đọc đi theo một kỷ niệm đẹp để đến một địa danh cùng với tác giả thăm nơi yên Nghỉ của hàn Mặc Tử,. Ghé nhà lưu niệm Thơ Hàn với Họa sĩ điêu khắc Dzũ Kha và phần nào đã thỏa được nỗi niềm trong lòng tác giả khi cuối cùng của “Chiều Ghềnh Ráng Mưa bay” anh đã kết “chỉ còn lại vầng trăng Hàn Mặc Tử”.trong mình và có lẽ vầng trăng ấy cũng còn mãi trong bạn trong tôi và trong tất cả những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử và yêu Qui Nhơn
Cám ơn tác giả Nguyễn An Bình cùng bài thơ Chiều Ghềnh Ráng Mưa Bay. Đã cho tôi có cảm xúc để viết bài cảm nhận này. Có thể những cảm nhận suy nghĩ của tôi trên đây chưa hẳn đúng ý tác giả. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi giành cho một bài thơ mà tôi yêu thích. Đây là bài thơ ấy:
CHIỀU GHỀNH RÁNG MƯA BAY
Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển
Em chờ ai trên đồi cỏ Thi Nhân
Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần
Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió.

Bãi Hoàng Hậu mênh mang vờn sóng vỗ
Mãi thì thầm ru giấc ngủ nhà thơ
Trăng ngàn năm sao trăng quá hững hờ
Tình say đắm trong tim Hàn Mặc Tử.

Lầu Ông Hoàng một thời thành muôn thuở
Tiếng thơ còn vương bút điện Dzũ Kha
Khẻ chạm tay từng nét phiến thông già
Nghe hơi thở nhà thơ còn quanh quẩn.

Mười mấy năm không về qua Ghềnh Ráng
Biết có còn mưa trên mộ họ Hàn
Biết có còn lá rơi dốc Thi Nhân
Đôi mắt biếc vai mềm người con gái?

Đường thiên lý đâu xuôi về nơi ấy
Chờ đợi chi trăng đã rụng lâu rồi
Chờ đợi chi kẻ góc biển chân trời
Chỉ còn lại vầng trăng Hàn Mặc Tử.-(Nguyễn An Bình)

Sài Gòn 9/11/2013
 
Huỳnh Xuân Sơn