Dù đã ghi chú “Vòng hoa luân chuyển” trong bản báo tin buồn, nhưng quanh linh cữu của ông Trần Trọng Tân ngày 5-8 vẫn đầy những vòng hoa.
Ông Hai Tân và những bài học để lại ImageView
Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đến viếng và chia buồn cùng gia quyến ông Trần Trọng Tân - Ảnh: T.T.D.

Các đồng chí, đồng đội của ông từ khắp nơi đang tụ về, nghiêng mình tiễn biệt thật nghiêm cẩn, trang trọng như phong cách mà ông luôn giữ khi tại thế.


Thầy của các lớp cán bộ miền Nam

Từ Bình Dương, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến vào giữa ngọ. Ông viết vào sổ tang: “Kính viếng Anh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tượng đài trên mặt trận văn hóa của Đảng”. Mấy dòng vắn tắt nhưng đủ để miêu tả về con người và sự nghiệp của ông Hai Tân rất đỗi quen thuộc với những người làm công tác tuyên giáo, văn hóa, tuyên truyền.

Ông Kiều Xuân Long nói: “Ông Hai Tân là lớp cán bộ đầu tiên của trung ương chi viện cho miền Nam để xây dựng công tác huấn học. Ông đã đóng góp, để lại rất nhiều dấu ấn trong việc giáo dục lý luận, đào tạo cán bộ nguồn trong các lớp đào tạo cán bộ ban đầu của miền Nam. Những cán bộ trưởng thành trong những năm đầu thập niên 1960 đều là học trò của ông, và họ đều vững vàng vì được cộng tác và làm việc với ông Hai Tân trong sự nguyên tắc, tỉ mỉ, cẩn trọng”.

Vững vàng là phải vì thầy của họ, ông Hai Tân, là một trong số rất ít cán bộ tuyên huấn được biệt phái vào nội thành để làm chỗ dựa cho các hoạt động tuyên truyền nội đô, đương đầu với các hoạt động phản tuyên truyền của đối phương. Các tờ báo Tiền Phong, Nhân Dân (miền Nam), Cờ Giải Phóng đã ra đời và có chỗ dựa vững chắc vào bản lĩnh lý luận, đường lối của ông Hai Tân như thế.

Không xốc nổi thì đâu là trẻ nữa

Một trong những học trò “ruột” của ông Hai Tân là bà Hoàng Thị Khánh. Công nhận rằng mình đã thần tượng “chú Hai Tân” cả một thời tuổi trẻ, công nhận rằng mình đã mất nhiều nước mắt suốt những giai đoạn học và làm việc, làm học trò và làm đồng chí với chú Hai, bà Khánh bảo bà có cả kho chuyện để kể về ông Trần Trọng Tân: “Ông nghiêm khắc lắm nhưng cũng rất chân tình, có khi nguyên tắc đến cứng nhắc nhưng cũng cởi mở, cấp tiến. Có lần ông bảo: Người lớn hay phê phán đám trẻ là tự cao, tự phụ, xốc nổi... Chú thì cho rằng tuổi trẻ mà không có chút tự cao thì không được, bởi như vậy có nghĩa là lúc nào cũng chỉ làm được những chuyện bình thường, không dám nghĩ đến những chuyện cao hơn, vĩ đại hơn. Tuổi trẻ không xốc nổi thì đâu gọi là trẻ nữa, lúc đó thành ông bà già mất rồi. Xốc nổi với tuổi trẻ là cần nhưng phải biết điều chỉnh, biết sức mình, tài mình để cố gắng và để giữ được chất lửa trong mình, không được để cho nguội. Đó mới chính là người trẻ, là chất của tuổi trẻ”.

“Người ta hay le lưỡi bảo: Nguyên tắc như ông Hai Tân, vậy mà suy nghĩ của ông mới như vậy đó, có khi mình cũng chưa theo được” - bà Khánh bảo vậy. Và nhiều người nghe chuyện cũng gật đầu công nhận vậy. Bà kể thêm một câu chuyện khi ông Hai Tân đang giữ chức vụ phó bí thư Thành ủy TP.HCM thì được điều động đi làm cố vấn cho Campuchia. Cho rằng đúng ra ông phải được đề bạt cao hơn, bà tìm gặp ông hỏi: “Sao vậy chú? Có phải việc điều động này... có vấn đề không?”. Ông Hai Tân chỉ cười: “Sao cháu lại thiếu lòng tin vào Đảng vậy? Chú được điều đi là do nhu cầu công tác, khi nào hội đủ điều kiện mới được đề bạt chứ”.

“Ông là thủ trưởng đầu tiên của tôi và tiếp tục là thầy đến khi tôi đã trưởng thành, đã thành cán bộ. Ba bài học của ông, tôi đã phải vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách của cuộc đời hoạt động, công tác, nhiều lúc tưởng chừng như buông bỏ để học và thực hiện cho được” - bà Khánh tâm sự. Ba bài học ấy là: 1. Trách nhiệm với công việc được giao, dù cho công việc ấy mình có thích hay không. 2. Trung thành với con đường mình chọn, trung thành với bạn bè, đồng đội, trung thành với tình yêu. 3. Lòng vị tha, nhân ái, thương yêu với đồng đội, đồng chí, đồng bào.

Một đời làm tuyên huấn, cả trong rừng, cả trong tù, nên ai nhắc đến ông Hai Tân cũng là nhắc đến những bài học ông đã để lại. Như Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nói về một trong những công việc cuối cùng mà ông đã làm cho TP.HCM: chủ biên tập sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975. “Chú Hai đã hết lòng, hết sức dành trọn thời gian và suy nghĩ cho sách, cho lịch sử thành phố. Chỉ cần đọc phần lời nói đầu và phần tổng luận là đã thấy rõ quan điểm, tầm nhìn, tình cảm... của chú trong từng câu chữ. Chú để lại một tấm gương tận tâm, tận lực trong suy nghĩ, trăn trở tìm cách giải quyết sao cho có lợi cho dân, cho nước...”.

Hôm nay (6-Cười nhe răng, ông Hai Tân còn ở lại với TP.HCM một ngày cuối cùng trước khi trở về lòng đất mẹ. Cuộc đời một con người đã dùng cả đời mình vào việc đúc kết những bài học cho mọi người cuối cùng cũng qua đi, nhưng những gì ông đã nói, đã làm còn ở lại...
 
 Theo P.Vũ - Tuổi Trẻ