1. Thủ tục làm lại con dấu khi bị mất.

Ngày 05/02/2010, Bộ Công an có ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 về quản lý và sử dụng con dấu đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01/4/2009. Tại Khoản 3, Điều 4 của Thông tư này quy định thủ tục làm lại con dấu bị mất như sau:
Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bị mất con dấu cần làm lại, thủ tục gồm:
- Văn bản đề nghị làm lại con dấu, trong đó nêu rõ lý do và có xác nhận của cơ quan cấp xã (phường, xã, thị trấn) nơi xảy ra mất con dấu gửi cơ quan Công an nơi đã giải quyết làm con dấu;
- Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu của con dấu bị mất do cơ quan Công an cấp.

2. Điều kiện nhận in xuất bản phẩm.

Tại Điều 33, Luật Xuất bản của Quốc hội ngày 20/11/2012 quy định điều kiên nhận in xuất bản phẩm như sau:
a/ Việc nhận in xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:
- Đối với xuất bản phẩm thực hiện thông qua nhà xuất bản thì phải có quyết định xuất bản (bản chính) và bản thảo có chữ ký duyệt của Tổng Giám đốc (Giám đốc) nhà xuất bản;
- Đối với tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức nước ngoài không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải có giấy phép xuất bản (bản chính) và bản thảo có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép theo quy định.
- Đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài phải có giấy phép in gia công và bản mẫu xuất bản phẩm đặt in gia công có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép theo quy định.
b/ Việc nhận in xuất bản phẩm phải có họp đồng theo quy định của pháp luật giữa cơ sở in với nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.
c/ Số lượng xuất bản phẩm được in phải thể hiện trong hợp đồng và phải phù hợp với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh./.