Trường Sa - vùng biển thiêng liêng, mà Tổ quốc neo mình nơi đầu sóng cả đang đổi thay từng ngày. Cùng với một Trường Sa kiêu hãnh, kiên cường giữa biển khơi đang ngày đêm nắm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam, là một Trường Sa hết sức dung dị và thấm đượm chất thơ. Một cuộc sống đủ đầy với rau xanh và trái ngọt, với tiếng trẻ thơ bi bô đánh vần, tiếng chuông chùa thanh tịnh và những lời nguyện cầu cho sự bình yên.

Chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong những ngày đầu tháng 6 năm 2015 của đoàn công tác cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an vượt qua chặng đường hơn 1000 hải lý đã thành công tốt đẹp. Rời con tàu HQ 571 của Hải quân nhân dân Việt Nam, mỗi thành viên của đoàn công tác lại trở về với những công việc thường nhật tại cơ quan, đơn vị của mình và mang theo những ký ức không thể nào quên về chuyến đi theo nhịp quân hành Trường Sa trên sóng nước Biển Đông.

Trên con tàu HQ 571 trong chuyến ra đảo xa có hơn 200 thành viên là đại biểu của các Bộ, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương như: Đoàn Bộ Công thương, Học viện Cảnh sát nhân dân, Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, Ngân hàng chính sách xã hội và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Tổng công ty điện lực miền Bắc, Quỹ Vừ A Dính, Cảng TRANSVINA Hải Phòng, đoàn Văn công Tuyên Quang và Phóng viên báo chí, Thông tấn xã Việt Nam. Chuyến thăm đảo Trường Sa - DK1 của cả đoàn được mang tên “Đoàn công tác số 15 đi thăm, kiểm tra quân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2015”. Đoàn do đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Thứ Trưởng Bộ Công thương làm Trưởng đoàn, các đồng chí phó đoàn công tác gồm: Thiếu tướng, TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt nam và đồng chí Vi Ngọc Lễ, Ủy viên ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ. 
 
Ra thăm đảo Trường Sa lần này, Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân gồm có 10 thành viên là cán bộ lãnh đạo các đơn vị khoa, phòng, bộ môn, Trung tâm, do Thiếu tướng, TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện CSND làm Trưởng đoàn.

Đúng 8h ngày 02/6/2015, con tàu HQ 571 rúc lên 3 hồi còi dài chào cảng Cát Lái, đưa chúng tôi về với Trường Sa thân yêu. Con tàu của chúng tôi là con tàu hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay, chuyên dùng để chở khách với các phòng nghỉ tiện nghi, có đầy đủ máy lạnh và trang thiết bị cần thiết, bố trí thành 4 tầng (A,B,C,D).

Buổi tối đầu tiên trên tàu, đoàn công tác và Thủy thủ tàu HQ571 đã tổ chức buổi giao lưu văn nghệ để các thành viên trong đoàn và thủy thủ đoàn có dịp làm quen nhau, đồng thời cũng tập dượt cho các buổi giao lưu văn nghệ với những người lính trên đảo trong suốt chuyến đi của đoàn. Các tiết mục cây nhà là vườn được trình bày với những cảm xúc thật mới mẻ, sôi động và đặc biệt nhất đó là sân khấu di động và không gian biểu diễn trên vùng trời, vùng biển của Tổ Quốc, chương trình giao lưu như không muốn có điểm kết thúc.

Qua hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, con tàu HQ 571 đã đưa đoàn đến lần lượt các đảo Đá Lớn (A,B,C), Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Đông, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/8, DK1/19 Quế Đường. Mỗi điểm đảo đều để lại trong mỗi thành viên trong đoàn những xúc cảm không thể nào quên. Ở đảo nổi, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với cuộc sống ở những điểm đảo chìm, bởi không gian rộng hơn, số lượng người nhiều hơn, lượng công việc nhiều hơn, điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Còn ở những điểm đảo chìm, tuy đã được trang bị khá đầy đủ nhưng cuộc sống của các anh vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan! Nhìn từ xa, điểm đảo nổi lên như một chiếc chòi canh giữa mênh mông biển nước. Ở đó, những người lính Hải quân cùng sống, cùng làm việc, canh giữ biển trời, đối mặt với sóng gió, bão tố, với nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, nhớ quê hương, nhớ bàn tay, hơi ấm của người thương tưởng chừng không thể vượt qua, không gì bù đắp nổi. Nhưng vượt lên tất cả đó là tinh thần chiến đấu của người lính, nhiệm vụ cao cả mà cả dân tộc giao cho các anh, 90 triệu người dân Việt Nam luôn dõi theo và làm điểm tựa cho các anh, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho các anh giữ gìn phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ấn tượng và cảm xúc nhất trong chuyến đi mà mỗi thành viên trong đoàn không thể quên được đó là hai buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma (tại đảo Len Đao) và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (tại nhà giàn DK1). Thiêng liêng và thành kính, xúc động và nghẹn ngào là không khí và cảm xúc của mọi người trong hai buổi lễ tưởng niệm đó. Công tác chuẩn bị cho hai buổi lễ thật chu đáo, trang nghiêm lòng thành kính. Chắc chắn sau chuyến đi này ai cũng hiểu rằng, tình yêu biển của họ sâu lắng hơn, bởi trong làn nước biển trong xanh ấy có cả những linh hồn, có cả phần máu thịt của các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, hy sinh và gửi thân xác mình vào lòng đại dương mênh mông.

Một ấn tượng nữa đó là điểm đến cuối cùng của đoàn tại Nhà giàn DK1/8 và DK1/19 bãi Quế Đường. Rất may mắn cho đoàn là trời yên, biển lặng tất cả các thành viên trong đoàn ai cũng được leo lên Nhà giàn. Đại tá Lê Xuân Thủy Phó Tham mưu trưởng Hải quân cũng phải thừa nhận, chưa có một đoàn công tác nào lại có thể lên nhà giàn thuận lợi như đoàn công tác này. Biển vẫn rất êm, xuồng chuyển tải nhanh chóng đưa đoàn công tác từ tàu vào Nhà giàn. Đến với Trường Sa, phải đến thăm Nhà giàn mới thấu hiểu những khó khăn của chiến sĩ Hải quân. Các anh kể, những ngày có bão, sóng to đánh lên cả tầng hai của nhà giàn, những chậu rau xanh được các anh nâng niu, chăm sóc hằng ngày đặt xung quanh nhà giàn cũng bị sóng đánh tơi tả, cả nhà giàn rung lắc như bị động đất, hiểm nguy luôn rình rập. Gian khổ là thế, khó khăn là thế, nhưng không một ai tỏ ra nao núng, hào hứng chường, các anh vẫn vui vẻ ca hát, giao lưu với đoàn công tác, vẫn tươi cười như để động viên chúng tôi.

10 ngày trên biển Trường Sa ai cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh. Đúng 8h ngày 11/6/2015 con tàu HQ 571 đã đưa chúng tôi cập cảng Cát Lái an toàn tuyệt đối. Tại buổi lễ Tổng kết đồng chí Lê Xuân Thủy Phó Tham mưu Trưởng Hải quân tổng kết: Chuyến đi an toàn, đúng hải trình, làm được nhiều việc có ý nghĩa đối với quân dân huyện đảo Trường Sa như thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ tại 11 điểm đảo, tổ chức 2 buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa (tại đảo Len Đao) và thềm lục địa phía Nam Tổ Quốc (tại nhà giàn DK1), một buổi chào cờ đặc biệt tại đảo Sinh Tồn, hai đêm văn nghệ đặc biệt tại đảo Sinh Tồn Đông và đảo Trường Sa Lớn, dâng hương tưởng niệm liệt sỹ tại đài liệt sỹ Trường Sa, dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ an tâm Tượng Phật tại Chùa Trường Sa Lớn. Các đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ, Học Viện Cảnh sát nhân dân đã có nhiều thành tích các hoạt động như tặng quà, giao lưu, thăm hỏi với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân. Suốt 10 ngày hoạt động trên biển, đoàn công tác số 15 ngoài các hoạt động trên còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: tìm hiểu truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, thi biểu diễn văn nghệ, thi sáng tác văn học, sáng tác ảnh nghệ thuật, phát tin truyền thanh nội bộ…kết quả có 18 đồng chí thành viên trong đoàn được biểu dương thành tích, nhiều đồng chí được giải các cuộc thi. Đoàn Học viện Cảnh sát nhân dân đạt kết quả nổi trội toàn đoàn với 2 giải nhì 2 giải ba và 1 giải khuyến khích, trong đó 1 giải nhì đơn ca do “ca sỹ đặc biệt” - Thiếu tướng, TS. Đặng Xuân Khang Phó Giám đốc Học viện CSND biểu diễn, 1 giải nhì sáng tác thơ do Đại tá Trần Phương Đạt sáng tác bài thơ “Mắt ngọc Trường Sa”, 2 giải ba đọc tấu sáo trúc do đồng chí Trần Phương Đạt - Chuyên viên cao cấp biểu diễn và trả lời cuộc thi tìm hiểu về Trường Sa - DK1 của đồng chí Phạm Hải Bình Phó Trưởng Khoa nghiệp vụ phòng chống tội phạm Công nghệ cao. Đại tá Lê Xuân Thủy đã biểu dương và cảm ơn đoàn công tác số 15 phối hợp, giúp đỡ Quân chủng Hải quân, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ, thuyền viên tàu Hải quân 571 hoàn thành nhiệm vụ.

Thay mặt Quân chủng Hải quân đồng chí Lê Xân Thủy - Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân đã gắn kỷ niệm chương “Vvì sự nghiệp biển đảo Việt Nam” cho Thiếu tướng Đặng Xuân Khang Phó Giám đốc Học viện CSND và các đồng chí khác, các thành viên trong đoàn được nhận Huy hiệu “Chiến sỹ Trường Sa”.

Qua 10 ngày hành trình trên biển, chúng tôi có được cảm nhận sâu sắc hơn về tầm quan trọng của biển, đảo và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Biển đảo nước ta như mặt tiền, cửa ngõ Quốc gia, cùng với đất liền hình thành chiến luỹ nhiều tầng, nhiều lớp, thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. "Vươn ra biển và làm giàu từ biển" là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy cần phải tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ biển đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với Quốc phòng, An ninh trên biển, đảo. Được mắt thấy, tai nghe những sự chuyển biến, phát triển mạnh mẽ trên quần đảo Trường Sa, với những gương mặt trẻ 19-20 tuổi, dạn dày nắng gió, tự tin, yêu đời; những hộ gia đình hạnh phúc an tâm lao động, sản xuất trên đảo. Tất cả đang góp phần biến sự khô cằn của cát, san hô thành mảnh đất có màu xanh của sự sống. Chúng tôi càng thấy vững tin hơn về sự phát triển trường tồn của biển đảo Việt Nam. Mong muốn và hy vọng rằng, trong tương lai không xa các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam không những là nơi phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, Quốc phòng, An ninh, mà còn trở thành những nơi tham quan, du lịch cho mọi người Việt Nam và bạn bè trên thế giới gần xa.
Nam Giang